4 yếu tố để phía Đông Hà Nội trở thành cực phát triển mới

5 năm trở lại đây, bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, với hàng loạt các dự án đại đô thị cùng sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng. Theo các chuyên gia, khi phía Đông Hà Nội hội tụ đủ những yếu tố nội lực sẽ trở thành trung tâm mới của Thủ đô trong tương lai gần.

“Tọa độ mới” của bất động sản Thủ đô

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, trong vòng 5 năm qua, thị trường BĐS khu vực phía Đông đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam.

Các dự án đại đô thị chú trọng cảnh quan, môi trường sống gắn liền với tiện ích của cư dân cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên một diện mạo mới, tạo ra sự sôi động cho thị trường BĐS khu vực phía Đông Thủ đô. Sở hữu nhiều lợi thế để phát triển BĐS cùng lịch sử tăng giá ấn tượng của các dự án BĐS đang hiện hữu, khu vực phía Đông sẽ là tọa độ mới của thị trường BĐS thủ đô trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Trần Xuân Lượng, chuyên ngành Bất động sản (Đại học Kinh tế Quốc dân), quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển thành phố hai bên sông Hồng. Trong khi đó, khu vực phía Đông có cả sông Hồng được thiên nhiên ban tặng, cùng quỹ đất rộng lớn, đủ để phát triển nhiều dự án, công trình quy mô. Đặc biệt, khu vực này kết nối với nhiều tỉnh trọng điểm, là trục chính, nằm gọn trong đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Do đó, nơi đây hội đủ nhiều yếu tố để bất động sản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tính đến hết quý 1/2023, khu vực phía Đông Hà Nội đã cung cấp cho thị trường hơn 77.000 sản phẩm bất động sản. Trong năm 2022, khu vực phía Đông Hà Nội ghi nhận khoảng 11.500 sản phẩm mở bán mới, đứng đầu về nguồn cung căn hộ và sản phẩm thấp tầng, chiếm lần lượt khoảng 60% và 80% tổng nguồn cung đang hiện hữu tại thị trường bất động sản Hà Nội và Văn Giang (Hưng Yên).

Khu Đông được coi là tọa độ mới của bất động sản Thủ đô.

Khu Đông được coi là tọa độ mới của bất động sản Thủ đô.

4 yếu tố quan trọng để phía Đông Hà Nội trở thành cực phát triển mới

Chia sẻ với PV Gia Đình Mới về những yếu tố nội lực để phía Đông Hà Nội trở thành cực phát triển mới của Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (ĐH Luật Hà Nội) cho biết: “Hà Nội đang có những bước phát triển để đưa TP phát triển theo hướng đa cực, đa trung tâm thay vì mô hình đơn trung tâm hiện nay. Khi phát triển theo hướng này sẽ giảm tải sự quá tải dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cho khu vực Trung tâm hiện nay".

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (ĐH Luật Hà Nội).

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế (ĐH Luật Hà Nội).

Theo TS Tuyến, chúng ta luôn hi vọng cực tăng trưởng mới của Hà Nội như phía Đông sẽ phát triển và tạo ra những xung lực mới. Tuy nhiên, để đạt được điều đó phải có 4 yếu tố:

Thứ nhất, cơ chế chính sách, xác định rõ vị trí vai trò của khu vực này để có định hướng.

Thứ hai là phải đầu tư công, Thành phố phải bỏ “vốn mồi”, xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Thứ ba là phải đào tạo nguồn nhân lực, đủ tri thức và cái tầm để quản lý, phát triển khu vực này.

Thứ tư là chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng các nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Trong quy hoạch của HN cũng nên để tư duy của các nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ làm cho diện mạo phía Đông phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp, đồng bộ”.

PGS Tuyến cũng cho rằng, ngoài cơ chế chính sách, ngoài tầm nhìn chiến lược thì công tác quy hoạch phải đi trước 1 bước. Quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch kiến trúc, không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất… thì phải đồng bộ. Bên cạnh đó việc tổ chức quy hoạch phải nghiêm chỉnh.

Hiện nay cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ chính quyền Hà Nội và sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng khu Đông Hà Nội đang khá phát triển. Hà Nội triển khai quyết liệt đường vành đai 4, Hà Nội cũng có chủ trương xây dựng các thành phố vệ tinh để kéo giãn dân, đầu tư đường sắt đô thị, xây dựng các cây cầu như cầu Vĩnh Tuy mới song song với cầu Vĩnh Tuy cũ, chuẩn bị thi công cầu ở phố Trần Hưng Đạo, khu vực Tứ Liên, Phú Thượng…

Nơi đây cũng xuất hiện những khu đô thị mới, hiện đại. Do đó, nếu đầu tư đồng bộ, quyết tâm, bức tranh giao thông, hạ tầng cơ sở của Hà Nội nói chung được cải thiện cũng như tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc hút dân nội đô sang khu vực phía Đông thành phố.

Việt Hưng

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính