Nội đô bộc lộ những căn bệnh ‘trầm kha’
Theo đánh giá của TS. KTS Trương Văn Quảng, xu hướng lựa chọn nhà ở của người dân Hà Nội đang có sự thay đổi so với những năm về trước. “Các gia đình hiện đại không đặt tiêu chuẩn nhà phố cổ là tiêu chí hàng đầu nữa mà có xu hướng tìm đến những đô thị rộng lớn, không gian thoáng đãng. Nguyên do là bởi nội đô đang bộc lộ những căn bệnh ‘trầm kha’.
Hà Nội đang có hơn 8,3 triệu dân, tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức 1,4%/ năm. Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
Trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, việc gia tăng dân số tại các quận lõi nội đô đang tạo ra sức ép lớn. Theo thời gian, mô hình cũ bộc lộ những căn bệnh không thể sửa chữa, đó là thiếu không gian công cộng, tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường ngày một nặng nề,...
Một số khu đô thị, khu nhà ở sau một thời gian dài đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định, chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm được triển khai theo quy hoạch.
Chưa kể, quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm khiến cho giá nhà đất trong khu vực này tăng rất cao”- TS Quảng nhận định.
Cũng theo TS Quảng, từ những căn bệnh ‘trầm kha’ của nội đô, cộng với cuộc ‘khủng hoảng’ về sức khỏe qua đợt dịch COVID-19 vừa qua đã khiến sự lựa chọn không gian sống của người dân đang sinh sống tại Hà Nội có sự thay đổi rõ rệt.
Theo khảo sát của One Mount vào quý 4/2022 với 400 người đã mua và có dự định mua chung cư tại Hà Nội, có tới 57% mua chung cư để ở. Trong đó động lực mua chung cư, có 26% mua chung cư để nâng cao chất lượng cuộc sống; 19% mong muốn được tận hưởng những tiện ích cao cấp của chung cư.
Trong tiêu chí lựa chọn chung cư, 400 người được phỏng vấn cho thấy tiêu chí được quan tâm nhiều nhất lại không phải giá hay vấn đề pháp lý mà lại là các tiện ích nội khu, ngoại khu (có tới 53% quan tâm đến các tiện ích nội khu, 42% quan tâm tới tiện ích ngoại khu, 48% quan tâm tới giá…).
“Chính bối cảnh sống đã nảy sinh các nhu cầu mới về sự đa dạng dịch vụ. Theo đuổi work-life balance (cân bằng để tận hưởng cuộc sống) thay vì chạy theo công việc, thu nhập, những người làm việc từ xa, giới trẻ hay thậm chí là những người già quan tâm tới sức khỏe họ có những tiêu chuẩn mới trong lựa chọn nhà ở như mật độ xây dựng thấp, có cảnh quan và càng nhiều tiện ích càng tốt ngay trong không gian sống” - TS Quảng phân tích.
Nền tảng đô thị đáp ứng nhu cầu và xu hướng sống mới
Để đáp ứng xu hướng lựa chọn nhà ở mới đó, chia sẻ với PV Gia Đình Mới, TS Võ Chí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, nền tảng đô thị để đáp ứng nhu cầu và xu hướng mới trên là điều cực kỳ quan trọng.
“Nền tảng đô thị đó phải có sự kết nối, tương tác; có nơi để mọi lứa tuổi được tham gia vào những nhu cầu học hỏi, nâng cao dân trí của mình; trong một quần thể phải đáp ứng được cả lợi thế về nhà ở lẫn kinh doanh và dịch vụ tiện ích.
Trên thị trường nhà ở, chúng ta nhận thấy các chủ đầu tư có tầm đã có những triết lý nổi bật khi xây dựng như hạ tầng, dịch vụ phải đầy đủ, và từng bước áp dụng các giải pháp xanh, giải pháp thông minh để nâng cấp cuộc sống ở đây”.
Cũng theo TS Thành, cùng với xu hướng phát triển đô thị, quy mô dự án cũng có xu hướng “lớn” theo khi mô hình khu đô thị, đô thị vệ tinh xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này cho thấy chiến lược phát triển dự án đang đón đầu những nhu cầu mới về không gian sống, mà đối tượng phục vụ ở đây có thể hiểu rộng ra gồm cư dân, khách thuê, người đến làm việc và cả lượng dân ngoại khu với vai trò khách tham quan vãng lai.
Những dự án này vừa giúp cư dân có trải nghiệm sống trọn vẹn, tiện lợi hơn, vừa góp phần thúc đẩy đời sống và kinh tế khu vực.
Hà Nội mới phía Đông
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho thấy, các gia đình trẻ tại Hà Nội trước đây có xu hướng tìm kiếm nhà ở tại khu vực phía Tây thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, trào lưu này đang có xu hướng dịch chuyển dần về phía Đông.
Đây cũng là khu vực đã và đang phát triển các đại đô thị hiện đại theo xu hướng xanh – thông minh và tích hợp bởi hai yếu tố trọng tâm: Các khu đô thị mới này đều có diện tích cây xanh và không gian công cộng lớn, nên tạo được môi trường sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên, tăng sự giao tiếp cộng đồng, có lợi cho sức khỏe, nhất là với lớp trẻ thường có cường độ lao động và áp lực công việc cao nên rất cần nơi nghỉ ngơi, thư giãn để tái tạo sức lao động; các đại đô thị với quy mô lớn, tích hợp đầy đủ các tiện ích từ chăm sóc sức khỏe đến mua sắm, y tế, vui chơi giải trí, luyện tập thể thao…, có thể giúp cư dân giảm được thời gian đi lại.
Ngoài ra, hệ thống trường học trong các đại đô thị không chỉ đáp ứng về giáo dục trí lực mà còn chú trọng cả về thể chất, ngoại ngữ, kỹ năng sống, tiện ích, dịch vụ, do đó vừa thích hợp cho các gia đình trẻ, vừa đáp ứng cho người cao tuổi, trung niên hay trẻ nhỏ…
Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate, nửa đầu năm 2023 có khoảng 1.290 giao dịch chung cư tại Vinhomes Ocean Park (bao gồm cả giao dịch sơ cấp và thứ cấp).
Tính riêng giao dịch chung cư sơ cấp tại Khu Đông, số bán đã tăng 139% từ Quý 1 lên Quý 2, điều này thể hiện người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường khu Đông, đặc biệt là các căn hộ đang mở bán mới.
Khu Đông đang là khu vực được quy hoạch bài bản về đô thị, hạ tầng, nhất là giao thông (kể cả nội bộ và liên kết vùng) được các cấp chính quyền cơ sở chú trọng. Đặc biệt khi dự án đường Vành đai 4 và hệ thống cầu vượt sông Hồng được hoàn chỉnh, việc kết nối với nội thành và kết nối vùng, kết nối liên tỉnh thuận lợi, trở thành trợ lực đưa khu Đông trở thành trung tâm mới của Hà Nội và khu vực.