Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành đối tượng, nạn nhân của bạo lực gia đình.
Tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình".
Theo Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về những hành vi được cho là bạo lực gia đình, cụ thể:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông bà và cháu; giữa cha mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh chị em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
- Chiếm đoạt; hủy hoại; đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Các hành vi bạo lực gia đình nêu trên cũng được áp dụng đối với thành viên của gia đình vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam nữ không đăng ký kết hôn mà sống với nhau như vợ chồng.
Các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình
Phòng chống bạo lực gia đình là bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ, trẻ em. Từ đó, góp phần đảm bảo cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc, bền vững; mỗi thành viên trong gia đình sẽ có ý thức sâu sắc hơn việc cần phải tôn trọng lẫn nhau, quan tâm nhau,…
Các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình được quy định tại Điều 22 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, như sau:
- Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
- Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;
- Cấm tiếp xúc;
- Bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu;
- Chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình;
- Trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình;
- Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
- Góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư;
- Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng;
- Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị hại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình.
An AnBạn đang xem bài viết 9 hành vi được cho là bạo lực gia đình và các biện pháp phòng tránh tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].