4 cuốn sách tranh dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt

Tôn trọng sự khác biệt của chính mình hay người khác là kỹ năng quan trọng giúp trẻ tự tin hòa nhập và phát triển các mối quan hệ.

Khi trẻ bắt đầu nhận thức thế giới, trẻ sẽ hỏi cha mẹ “10 vạn câu hỏi vì sao”.Trong đó, những câu hỏi như: “Tại sao da bạn trắng mà da con lại đen?”, “Tại sao người đó chỉ có một tay?”, “Tại sao tóc con xoăn mà bạn ở lớp thì không?”… là những thắc mắc của hầu hết các trẻ.

Lúc này, cha mẹ không chỉ cần giải thích cho trẻ nghe về sự khác biệt mà cần định hướng, dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt của người khác và tự tin vào sự khác biệt của chính mình.

Bởi sự khác biệt tồn tại như một điều tất yếu của đời sống, nếu trẻ không học được cách chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, dễ dẫn đến trẻ nhìn nhận thế giới thiếu khách quan thậm chí kỳ thị.

Những cuốn sách tranh Ehon, picture books dưới đây với câu chuyện gần gũi, hình ảnh minh họa sinh động là phương pháp hiệu quả giúp các cha mẹ dạy trẻ về sự khác biệt và cách tôn trọng sự khác biệt.

Cái gì quan trọng nhất

Vào một ngày nọ, các loài vật trong khu rừng Thảo Nguyên Đỏ bỗng nổ ra một cuộc tranh luận giữa các loài vật để đưa ra kết luận “cái gì quan trọng nhất”.

Mỗi loài đều có ý kiến riêng. Theo chú Thỏ, đôi tai dài là quan trọng nhất vì nó giúp nghe thấy mọi tiếng động dù nhỏ nhất. Nhím thì cho rằng, những chiếc gai mới quan trọng nhất vì có gái mới được bảo vệ an toàn. Nhưng với Hươu cao cổ, chiếc cổ dài giúp với tới những chiếc lá non trên ngọn cây nên đó mới là cái quan trọng nhất.

4 cuốn sách tranh dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt 0

"Cái Gì Quan Trọng Nhất"  là tác phẩm đạt giải thưởng danh dự "Vì sự chung sống hoà bình" do UNESCO trao tặng năm 2001.

Rồi Chim thì nghĩ đôi cánh là quan trọng nhất, Chú vịt cho rằng đôi chân có màng mới đúng. Với Voi thì chiếc vòi dài và quyến rũ của mình là quan trọng nhất. Hải Ly chọn đáp án là bộ răng to.

Cuộc bàn luận này có lẽ sẽ không có hồi kết nếu bác Cú thông thái vẫn luôn theo dõi các ý kiến không đưa ra kết luận, “Mỗi loài trong chúng ta đều có thứ gì đó quan trọng cho riêng mình!”. Lúc này, tất cả các loài đều đồng ý.

Và đó cũng chính là thông điệp mà cuốn sách nhỏ muốn gửi gắm đến trẻ, đến các cha mẹ về sự khác biệt giữa các loài, giữa người với người. Sự khác biệt là rất quan trọng, nó giúp mỗi người có đặc trưng riêng và hạnh phúc riêng.

"Cái Gì Quan Trọng Nhất" của Antonella Abbatiello là tác phẩm đạt giải thưởng danh dự "Vì sự chung sống hoà bình" do UNESCO trao tặng năm 2001.

Trường mẫu giáo của chú voi Grumpa

Cuốn truyện Ehon của hai tác giả Nishiuchi Minami và Horiuchi Seiichi kể về chú voi Grumpa. Chú vì quá bẩn thỉu nên mọi người bắt đi làm việc.

Ở bất cứ công việc nào chú cũng làm ra những thứ quá khổ. Chiếc bánh bích quy quá to nên đắt chẳng có ai mua, chiếc đĩa cũng to không có đủ sữa để đổ vào. Grumpa làm giày cũng lớn quá, rồi chiếc đàn Piano, chiếc xe ô tô cũng không ai sử dụng được.

4 cuốn sách tranh dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt 1

Hình ảnh cuốn sách “Trường mẫu giáo của chú voi Grumpa” 

Trong lúc đang buồn bã, chán nản, Grumpa gặp rất nhiều em nhỏ. Grumpa chia bánh cho các em rồi đánh đàn cho chúng nghe.

Sự thích thú của các em bé khiến Grumpa quyết định mở trường mẫu giáo, nơi chú có thể tìm thấy niềm vui và tạo ra niềm vui với những thứ mình đã làm.

Câu chuyện trong “Trường mẫu giáo của chú voi Grumpa” muốn nhắn nhủ tới các bé rằng, mỗi người đều có tài năng riêng, chúng ta không nên chê cười những thứ quá khổ mà chú voi Grumpa làm. Bởi cuối cùng thông qua những thứ đó, chú đã tìm được công việc mình yêu thích và mang lại nhiều niềm vui cho người khác.

Bàn tay kỳ diệu của Sachi

“Bàn tay kì diệu của Sachi là một câu chuyện cảm động kể về cô bé Sachi. Sachi ngây thơ, đáng yêu và luôn ngập tràn yêu thương, Nhưng thật không may, từ khi sinh ra Sachi đã bị khuyết tật ở bàn tay phải. Bàn tay phải của em không có ngón.

Khi cả tổ “Hoa cánh bướm” của Sachi ở trường mẫu giáo chơi trò chơi, Sachi muốn được một lần đóng vai làm mẹ thay vì làm em bé hay em gái nhỏ như mọi khi. Nhưng các bạn cùng tổ đều cho rằng Sachi không thể làm mẹ được, bạn Maria của Sachi nói “Mẹ mà không có tay thì lạ lắm!”.

4 cuốn sách tranh dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt 2

Cuốn sách "Bàn tay kỳ diệu của Sachi" mang ý nghĩa nhân văn, cảm động.

Những lời nói vô tình của các bạn đã làm tổn thương Sachi và khiến em rất buồn. Sachi lo lắng nếu không có ngón tay, em sẽ không được làm mẹ.

Một hôm Sachi hỏi bố về nỗi lo lắng đó. Và thật bất ngờ, bố nói với Sachi: “Không những làm được, mà Sachi có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời nữa. Một người mẹ không chịu thua bất cứ ai!”. Bố còn nói, bàn tay em là một bàn tay kì diệu, có sức mạnh truyền sang bố khi hai bố con nắm tay nhau cùng đi.

Từ đó Sachi tự tin trở lại trường học, em được bạn Arika tặng một viên kẹo socola hình trái tim và cô giáo mời Sachi đóng vai Chức Nữ trong vở kịch cho lễ Thất tịch.

“Bàn tay kỳ diệu của Sachi” là câu chuyện đầy tính nhân văn dành cho trẻ em. Sự khác biệt của đôi bàn tay của Sachi là thông điệp nhẹ nhàng dành cho các bé và các cha mẹ về tình yêu thương, sự thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác.

Cuốn sách này được viết bởi các cha mẹ trong Hội cha mẹ có con khuyết tật bẩm sinh ở Nhật Bản. Cuốn sách này mất 5 năm để hoàn thiện và ra đời vào năm 1985. Đến năm 2010, “Bàn tay kỳ diệu của Sachi” đạt mức 650 nghìn bản được bán, nằm trong danh sách các cuốn sách “longtime seller” ở Nhật Bản.

Bút sáp màu đen

Cuốn Ehon nhỏ này kể về những cây bút sáp màu mà nhân vật chính là cây bút Sáp Màu Đen. Mỗi bút sáp có một màu khác biệt và vẽ nên những thứ riêng, rất đẹp.

Tuy nhiên, vì là màu đen nên Sáp Màu Đen nên bị các bạn sáp màu cho rằng, “một bức tranh đẹp mà thêm màu đen vào nữa thì xấu lắm”.

Nếu Sáp Màu Vàng có thể vẽ ra những chú bướm xinh xắn, Sáp Màu Hồng vẽ ra được những bông hoa thì bút Sáp Màu Xanh Lá Cây sẽ vẽ lá cho hoa tulip, Sáp Xanh Nõn Chuối sẽ vẽ lá cho hoa cúc. Còn Sáp Màu Nâu vẽ đất, Sáp Màu Xanh Dương vẽ nước, vẽ trời. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động với hoa lá rỡ.

4 cuốn sách tranh dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt 3

Bộ sách "Bút sáp màu đen".

Nhưng riêng chỉ có Sáp Màu Đen, khi muốn được vẽ thì các bạn sáp màu khác nói “chúng tớ không cần màu đen đâu” và không cho Sáp Màu Đen chơi cùng.

Tuy nhiên, khi Sáp Màu Đen tô đen toàn bộ bức tranh bị các bạn Sáp Màu khác vì mải vẽ mà làm hỏng, cùng với những đường nết của Bút Chì Kim đã tạo nên một bức tranh pháo hoa rực rỡ. Lúc này, các bạn Sáp Màu nhận ra rằng “Màu đen cũng tuyệt thật nhỉ?”.

Với hình ảnh gần gũi với trẻ là những cây bút sáp màu, cuốn sách nhỏ của tác giả Miwa Nakaya sẽ hấp dẫn trẻ vào hành trình thú vị tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của Sáp Màu Đen. Đồng thời, cuốn sách cũng dạy trẻ cách tôn trọng sự khác biệt của những người bạn, dạy trẻ về sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết.

Thục Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính