Không chỉ việc mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị thử thách khả năng kiểm soát chi tiêu của bạn, mà với sự gia tăng của các quảng cáo trên mạng xã hội và các nền tảng mua sắm trực tuyến, việc mua sắm bốc đồng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội.
Nhiều người đấu tranh với thói quen này và không biết làm cách nào để bỏ được việc mua sắm bốc đồng, vung tay quá trán so với dự tính.
Tin vui là bạn có thể kiểm soát việc chi tiêu bốc đồng bằng cách rèn luyện những thói quen tốt.
Chuyên gia tiền bạc Paige Pritchard, một người sáng tạo nội dung TikTok với hơn 100.000 người theo dõi, chia sẻ những cách tốt nhất giúp bạn tỉnh táo trước những "bẫy" tiếp thị và ngừng mua sắm bốc đồng.
1. Luôn có một danh sách mua sắm
Pritchard khuyên: "Bạn phải liệt kê một danh sách chính xác những gì bạn cần mua".
Đây là điều mà nhiều người đã làm để tiết kiệm thời gian tìm kiếm các món hàng khi đi shopping.
Bên cạnh đó, danh sách mua sắm còn có tác dụng khác, đó là đảm bảo bạn bám sát chính xác mục tiêu khi bạn đến cửa hàng, siêu thị.
Danh sách mua sắm của bạn cần phải dễ dàng truy cập, ví dụ được lưu ngay trong điện thoại. Bằng cách luôn có sẵn danh sách mua sắm trước mặt, bạn sẽ dễ dàng mua sắm đúng như dự định và không bỏ những thứ ngoài danh sách vào giỏ hàng.
2. Nhận thức về các yếu tố kích thích bạn mua sắm
Bạn cần nhận ra những yếu tố kích thích cảm xúc khiến bạn mua sắm. Có mặt hàng cụ thể nào mà bạn thường xuyên mua sắm bốc đồng hơn, ví dụ như quần áo hay đồ gia dụng? Nếu có, tốt nhất bạn nên tránh ra những cửa hàng, khu vực bày các sản phẩm đó.
90% thắng thua trong cuộc chiến này nằm ở cách suy nghĩ của bạn trước khi bạn bước vào cửa hàng. Ngay cả khi bạn đã có một danh sách mua hàng chi tiết, nếu bạn vẫn giữ suy nghĩ "Mình chỉ dạo qua xem chút thôi", thì cơ bản là bạn đã thất bại trong việc tuân thủ kỷ luật chi tiêu và danh sách chi tiêu của mình.
Trước khi bước vào cửa hàng, bạn cần xác định chắc chắn với chính bản thân về vấn đề chi tiêu. Nếu bạn tự nói với mình là sẽ không mua sắm bốc đồng thì bạn đang cố gắng để củng cố quyết tâm của mình.3. Chuẩn bị tinh thần cho những sự thôi thúc
Lưu ý này liên quan đặc biệt đến việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị cung cấp nhiều loại hàng hóa và thường có các biển hiệu, quảng cáo giảm giá bắt mắt.
Bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho những sự thôi thúc sẽ đến khi đi mua sắm.
Bạn có thể có cảm giác bị thôi thúc mua hàng, đó là những gì các cửa hàng, siêu thị mong muốn. Họ chạy các chương trình quảng cáo hấp dẫn khiến bạn khó cưỡng lại thôi thúc này.
Bí quyết là bạn hãy chấp nhận cảm giác thôi thúc mua sắm đó. Một khi đã biết chấp nhận nó, bạn sẽ có thể xây dựng những thói quen để không đầu hàng trước những sự thôi thúc này.
4. Tạo danh sách 'những thứ tôi muốn mua'
Một trong những yếu tố quan trọng để ngăn chặn việc mua sắm bốc đồng là lập danh sách "những thứ tôi muốn mua".
Danh sách này sẽ giúp bộ não của bạn có thời gian để hạ nhiệt cảm xúc thôi thúc muốn mua món hàng đó và tăng sự lý trí của bạn.
Loại bỏ phản ứng cảm xúc khi mua sắm là một trong những cách quan trọng để ngừng mua hàng một cách bốc đồng. Bạn có thể viết danh sách này lên giấy hoặc trong ứng dụng ghi chú trên điện thoại.
Pritchard nhận thấy rằng nhiều khách hàng của cô đã không chi tiền cho những món đồ mà họ đưa vào danh sách này.
Danh sách "những thứ tôi muốn mua" thực chất là cách giúp bạn tạm gác lại việc mua hàng và suy nghĩ xem món hàng đó có đáng hay không. Và rất có thể sau khi cân nhắc, bạn sẽ cảm thấy món đồ đó không đáng với số tiền của mình.
Kết
Bỏ thói quen mua sắm bốc đồng không phải là điều dễ dàng. Một trong những bước quan trọng nhất là nhận ra mối quan hệ của bạn với việc chi tiêu và chấp nhận sự thật rằng bạn có thể gặp vấn đề liên quan đến việc mua sắm bốc đồng.
(Theo Gobankingrates)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Chuyên gia tiền bạc: 4 cách tỉnh táo trước các 'bẫy' tiếp thị, tránh mua sắm bốc đồng tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].