Bộ Y tế vừa có thông tin, tuần tới, Bộ có kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn việc cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử để tiến tới triển khai rộng rãi toàn quốc.
Hộ chiếu vắc-xin điện tử cũng như hộ chiếu vắc-xin giấy, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. Hiện, Việt Nam đã đạt thỏa thuận công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 17 quốc gia.
Vậy người dân đã tiêm chủng cần thực hiện các bước nào để có thể được cấp hộ chiếu vắc xin điện tử? Hướng dẫn cụ thể vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế cho biết quy trình như sau:
- Người dân đi tiêm chủng khai báo thông tin chính xác: Họ tên, Ngày tháng năm sinh, Địa chỉ, Số điện thoại...
- Cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm rà soát thông tin, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư để xác thực. Việc xác minh chính xác thông tin người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng là điều kiện quan trọng nhất để cấp hộ chiếu vắc-xin.
- Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.
- Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU.
Tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng thì có một QR code hiển thị trên ứng dụng PC COVID-19 hoặc Sổ sức khỏe điện tử để kiểm soát khi ra nước ngoài. Bộ Y tế tích hợp chứng nhận điện tử tiêm vắc-xin cùng với hệ thống ứng dụng hiện tại để thuận tiện cho người dân.
"Như vậy, để cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử, người dân chỉ phải làm 1 thao tác quan trọng đó là khai báo chính xác thông tin cá nhân. Toàn bộ quá trình tiếp theo là do cơ sở tiêm chủng thực hiện, Cục Y tế dự phòng là đầu mối ký số. Hiện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đang làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vắc xin.
Khi chúng tôi triển khai cấp hộ chiếu vắc xin điện tử, tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ có một QR code, được hiển thị trên ứng dụng PC COVID-19 hoặc Sổ sức khỏe điện tử để phục vụ việc kiểm soát khi ra nước ngoài", ông Hùng thông tin.
Hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam có 11 thông tin về thông tin cá nhân, loại vắc-xin được tiêm, mã số của chứng nhận. Các thông tin được ký số, mã hóa và đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR trên hộ chiếu vắc-xin hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
11 thông tin trên hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam:
1. Họ và tên;
2. Ngày tháng năm sinh;
3. Quốc tịch;
4. Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới;
5. Số mũi tiêm đã nhận;
6. Ngày tiêm;
7. Liều số;
8. Vắc xin;
9. Sản phẩm vắc xin;
10. Nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin;
11. Mã số của chứng nhận.
Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hoá và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Yêu cầu cụ thể sẽ được mô tả tại Mục 4 Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin” ban hành kèm theo Quyết định 5772/QĐ-BYT.
V.LinhBạn đang xem bài viết 4 bước để được cấp hộ chiếu vắc-xin COVID-19 điện tử tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].