Đây là kết quả bước đầu của Chương trình 5 năm (2016 – 2020) về phát triển đào tạo Hoạt động trị liệu tại Việt Nam.
Chương trình do Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua tổ chức Humanity & Inclusion (HI).
Hoạt động trị liệu là một chuyên ngành y khoa lấy người bệnh làm trung tâm hướng đến việc thúc đẩy sức khỏe người bệnh thông qua trị liệu.
Các chuyên gia về HĐTL thực hiện thông qua làm việc với mọi người và cộng đồng, từ đó thúc đẩy khả năng thực hiện các hoạt động mà người bệnh muốn làm, cần làm hay dự kiến làm hoặc thông qua điều chỉnh việc trị liệu hoặc môi trường để giúp người bệnh tham gia việc trị liệu được tốt hơn.
Việt Nam từ trước đến nay chưa có các kỹ thuật viên HĐTL được đào tạo chuyên sâu. Các dịch vụ HĐTL chủ yếu do các kỹ thuật viên vật lý trị liệu đảm nhận.
Những kỹ thuật viên này hoặc chưa được đào tạo về HĐTL hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn trong nước hoặc nước ngoài với các kiến thức cơ bản. Vì thế, rất ít bệnh viện lớn có cung cấp các dịch vụ về HĐTL.
Trong khi đó các dịch vụ HĐTL không chính quy lại do các trung tâm hoặc các chuyên gia phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng cung cấp.
Việt Nam chưa có các chương trình đào tạo chính thức về HĐTL mà chỉ một số ít chương trình đào tạo về Vật lý trị liệu có lồng ghép một số giờ học (từ 30-90 giờ) về HĐTL. Các khoa Phục hồi chức năng và Vật lý trị liệu không được trang bị cần thiết để đào tạo chuyên sâu về HĐTL.
Ngoài ra tại Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn như các nguồn học liệu về HĐTL còn ít, các sách tham khảo chủ yếu bằng tiếng nước ngoài, các KTV về HĐTL trình độ thạc sĩ hầu như chưa có…
Tại buổi Lễ, Ths.BS Lê Tuấn Đống- Trưởng phòng Phục hồi chức năng và giám định, Cục Khám chữa bệnh- Bộ Y tế cho biết, lâu nay nguồn nhân lực chuyên sâu về phục hồi chức năng ( PHCN) của nước ta còn quá ít.
Vì thế Chương trình này là một cứu cánh quan trọng giúp Ngành y tế có thêm điều kiện trong việc xây dựng chính sách phát triển hệ thống PHCN, tạo nguồn nhân lực làm công tác PHCN tại các bệnh viện cũng như cộng đồng.
Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam xây dựng Chương trình HĐTL và triển khai thí điểm tại 2 cơ sở đào tạo là Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh… đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực kể cả trình độ cao cũng như đào tạo ngắn hạn về lĩnh vực HĐTL cho Việt Nam.
Đây chính là lực lượng nòng cốt để phát triển, mở rộng ra trong tương lai và sẽ được định hướng trở thành một ngành độc lập trong cơ cấu đào tạo nhân lực y tế.
TS Đinh Thị Diệu Hằng- Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Thiết bị Y tế Hải Dương (một trong 2 cơ sở đào tạo HĐTL cấp bằng cử nhân) cho biết thêm, Chương trình được thực hiện với sự phối hợp của ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh nhằm phát triển đội ngũ nhân lực về HĐTL, cung cấp nguồn giảng viên về HĐTL, tài liệu dạy học và thúc đẩy các chính sách về HĐTL tại Việt Nam.
Chương trình nhận được sự tham gia tích cực của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam (VINAREHA) và các chuyên gia từ các trung tâm Phục hồi chức năng và các bệnh viện, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Học viện Giáo dục Đại học Manipal Ấn Độ, nơi có hơn 50 năm kinh nghiệm trong đào tạo và phát triển HĐTL.
Đến nay, chương trình đã tập trung phát triển được hệ cử nhân 4 năm về HĐTL, đồng thời gửi nhóm 5 giảng viên nguồn từ ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh sang theo học khóa cử nhân về HĐTL tại Ấn Độ.
Từ tháng 3/2017, Chương trình tuyển chọn 57 sinh viên theo học thử nghiệm các khóa cử nhân đầu tiên về HĐTL tại ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, đưa hai phòng thực hành về HĐTL vào hoạt động tại ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.
ĐNBạn đang xem bài viết 36 cử nhân kỹ thuật viên phục hồi chức năng trị liệu đầu tiên tại Việt Nam được cấp bằng tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].