Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), mục tiêu bình đẳng về pháp lý, việc làm, thu nhập cho phụ nữ có thể mất nhiều thế kỷ nữa mới đạt được do cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới đang gặp quá nhiều trở ngại.
Đầu tháng Ba, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã có bài phát biểu rằng những gì đang diễn ra trên toàn cầu gần như chống lại quyền phụ nữ. Nó đang đe dọa thậm chí có thể gây đảo ngược những kết quả tiến bộ đấu tranh về bình đẳng giới ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Ông Antonio Guterres đưa ví dụ nghiêm trọng nhất là ở Afghanistan, khi Taliban đã cấm các bé gái được học trên lớp Sáu. Phụ nữ và trẻ em gái cũng không được đi làm và không thể tham gia các hoạt động ngoài trời, không được đến công viên, phòng tập thể dục, tiệm làm tóc... Ông cho biết, với tình hình như hiện nay, bình đẳng pháp lý cho phụ nữ có thể phải mất 300 năm mới đạt được.
Không những thế, ông Guterres còn chỉ ra một “đại dịch” bạo lực trên cơ sở giới tính dai dẳng nhất là khoảng cách về tiền lương. Sự chênh lệch hiện nay về lương giữa nam giới và phụ nữ ít nhất là 20%. Ngoài ra, còn là sự thiếu vắng đại diện của phụ nữ trong hoạt động chính trị. “Những cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến phụ nữ và trẻ em gái - từ nghèo đói đến thảm họa khí hậu, chiến tranh và khủng bố” - ông nói.
Tổng thư ký LHQ cho biết, đã có bằng chứng về các vụ hãm hiếp và buôn bán phụ nữ ở Sudan. Ở Dải Gaza, phụ nữ và trẻ em chiếm phần lớn trong số hơn 31.000 người Palestine được cho là đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Ông cũng trích dẫn một báo cáo mới đây của LHQ kết luận rằng Hamas đã phạm tội hiếp dâm, “tra tấn tình dục” và cách đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo khác đối với phụ nữ trong cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng này ở miền nam Israel vào ngày 7/10/2023. Bên cạnh đó là các báo cáo về bạo lực tình dục đối với người Palestine bị Israel giam giữ.
Roza Otunbayeva - nhà ngoại giao người Kyrgyzstan, giữ cương vị đại diện đặc biệt của LHQ tại Afghanistan - nói với Hội đồng Bảo an LHQ rằng cuộc đàn áp của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái đã gây ra “tác hại to lớn đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và sinh kế. Bà Otunbayeva một lần nữa kêu gọi Taliban bỏ các hạn chế, cảnh báo rằng nếu tình trạng này càng tồn tại lâu thì “thiệt hại sẽ càng lớn”.
Sima Bahous - Giám đốc điều hành của UN Women, cơ quan thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ - cho biết: chúng ta đang chứng kiến một thế giới gặp khó khăn bởi sự đối đầu, chia rẽ, sợ hãi và hơn hết là bất bình đẳng. “Nghèo đói luôn ám ảnh phụ nữ. Cứ 10 phụ nữ trên thế giới thì có một người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ” - bà nói và cho biết thêm rằng đàn ông không chỉ thống trị quyền lực mà còn sở hữu khối tài sản nhiều hơn phụ nữ 105.000 tỉ USD.
Ông Guterres kêu gọi các quốc gia ưu tiên bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái. Ông thông báo rằng LHQ đang triển khai “Kế hoạch tăng tốc bình đẳng giới” để hỗ trợ các chính phủ trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách cũng như chi tiêu đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Bahous kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Gaza và thế giới đừng quên tài trợ cho phụ nữ và trẻ em gái. Bà nhấn mạnh: khi đầu tư và quan tâm đến phụ nữ, chắc chắn nền kinh tế sẽ phát triển, chính phủ phát triển mạnh và hòa bình sẽ đạt được sớm hơn. “Thay vì đầu tư vào vũ khí nhiều hơn, chúng ta nên đầu tư vào phụ nữ và trẻ em gái” - Bahou nói.
Thu Thanh/ Báo Phụ Nữ
(Theo AP, UN)
Bạn đang xem bài viết 300 năm nữa mới có thể đạt được bình đẳng về pháp lý cho phụ nữ tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].