Trẻ luôn bị ảnh hưởng bởi mọi hành vi, quan điểm, phản ứng của cha mẹ, dù đó là những điều tích cực hay tiêu cực.
Trong những gia đình Việt Nam, người mẹ đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục con. Mẹ cũng là người gần gũi với con nhiều nhất.
Cũng chính vì thế, mọi lời nói cũng như hành động của người mẹ đều có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đứa trẻ. Trẻ dường như sẽ trở thành một bản sao hoàn hảo của mẹ, từ biểu cảm gương mặt, tông giọng, điệu bộ, hành vi đến lối sống.
Một người mẹ luôn tiêu cực với cuộc sống, có những hành vi cáu kỉnh, thô bạo thì đứa trẻ cũng trở nên nóng tính, hằn học. Một người mẹ hiền dịu, nết na, nhẹ nhàng thì con của họ nhất định cũng ngoan ngoãn, biết vâng lời.
Dưới đây là 3 kiểu người mẹ có tác động xấu tới việc phát triển của con
Người mẹ hay tức giận, tính khí thất thường
Kiểu người mẹ này nhìn chung thất bại hoàn toàn trong việc làm chủ cảm xúc. Họ dễ bị tức giận, nổi nóng, thường xuyên bất mãn với cuộc sống và hay nói những lời lẽ khó nghe với con. Ví dụ như:
- “Con có nhanh lên không thì bảo, con có 5 phút để mặc quần áo”.
- Nhanh lên, đừng có lề mề nữa, con có nghe mẹ nói gì không?
- Con có tin rằng mẹ sẽ ném tất cả đồ chơi của con vào thùng rác nếu con không dọn dẹp ngay?
Kiểu người mẹ này thường không để ý tới việc con mình cũng học theo tính khí nóng nảy, hay nổi giận, quát tháo của mẹ. Hậu quả dễ thấy nhất chính là trẻ cũng sẽ gào thét, đánh người, giận dữ và khó tính y như mẹ. Điều này rất nguy hại khi trẻ lớn lên. Trẻ dễ trở thành một người cục cằn, thô bạo, gặp vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc, khó lòng phát triển thành người lành mạnh.
Người mẹ quá nghiêm khắc, thích áp đặt con
Đây là kiểu người mẹ luôn thích quyền lực, thích ra lệnh, luôn muốn tất cả mọi người phải tuân theo ý mình.
Ngay từ khi con còn nhỏ, người mẹ này đã áp đặt ý muốn của mình lên con. Trẻ sẽ không được quyết định bất cứ việc gì. Ví dụ như việc học hành, mẹ sẽ luôn yêu cầu bé phải đứng nhất, ngay cả việc trẻ thích gì mẹ cũng không quan tâm, người mẹ này sẽ ép trẻ làm theo những gì bản thân mình cho là đúng, không bao giờ quan tâm tới cảm nhận của con.
Người mẹ này luôn định sẵn tương lai con, từng bước từng bước con đi đều nằm trong kế hoạch. Những đứa trẻ được nuôi dạy bởi người mẹ như này thường nhút nhát, luôn sợ hãi, không có chính kiến và không dám nói ra suy nghĩ thật của mình.
Khi lớn lên, chúng sẽ có thể trở thành hai kiểu: Thứ nhất là người rụt rè, tự ti, không dám tự quyết gì, kiểu này rất khó thành công. Thứ hai, trẻ sẽ trở nên chống đối khi chúng quá chán sự áp đặt của mẹ, những đứa trẻ này một khi nổi loạn sẽ khó lòng kiểm soát.
Người mẹ nghiện mạng xã hội
Tác hại nhìn thấy dễ nhất khi con có người mẹ nghiện điện thoại chính là con sẽ thụ động, thích dùng điện thoại, ngại tương tác với bên ngoài. Những đứa trẻ này dễ trở nên lười biếng và mất đi sự hào hứng với việc khám phá thế giới ngoài kia.
Khi đi học, trẻ sẽ không tập trung, nghiện ngập vào các trò game trên điện thoại hoặc những thú vi khác trên điện thoại thông minh, việc học bê trễ, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Nếu việc học tập và rèn luyện không tốt ngay từ khi còn nhỏ, chắc chắn lớn lên trẻ sẽ không làm nên chuyện.
Nuôi dạy con luôn là hành trình gian nan đòi hỏi người làm cha mẹ phải học hỏi không ngừng. Nhiều bố mẹ băn khoăn, thậm chí cảm thấy khổ sở khi không biết phải dạy con ra sao. Nhưng điều quan trọng nhất là: Muốn con trở thành người như thế nào, bạn cần phải phấn đấu trở thành một người như thế trước đã.
Trẻ tiếp thu vô thức mọi hành vi xấu và tốt của bố mẹ. Vì thế muốn con trở nên tốt đẹp, hãy làm gương cho con. Muốn thay đổi tính xấu của con, hãy thay đổi tính xấu của mình trước.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết 3 kiểu người mẹ dễ nuôi dạy nên một đứa trẻ tự ti, bất cần, nhân phẩm kém tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].