1. Rượu, bia
Uống quá nhiều bia rượu có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, trong đó có táo bón.
Bia rượu khiến cơ thể thiếu nước, mà cơ thể chúng ta cần nước để chất thải không bị khô và dễ đi ngoài hơn.
Đồ uống chứa cồn còn có thể ảnh hưởng đến chức năng bên trong cơ thể, làm chậm nhu động đường tiêu hóa, gây khó khăn cho việc đi vệ sinh.
Rượu, bia có thể gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột dẫn tới các triệu chứng đầy hơi và táo bón.
Đồ uống có cồn cũng có thể gây viêm niêm mạc ruột và một số vấn đề về dạ dày.
Tuy nhiên việc rượu bia có gây táo bón hay không còn phụ thuộc vào lượng và loại rượu mà bạn uống.
Dù trong bất kỳ trường hợp nào, đừng quên uống nhiều nước sau khi uống rượu bia.
2. Sữa
Sữa được biết đến là một thức uống tốt cho sức khỏe. Nó chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, vitamin B12, protein.
Song sữa cũng có thể là lý do khiến bạn gặp vấn đề về tiêu hóa. Nếu bạn đang có vấn đề về tiêu hóa thì sữa có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đặc biệt có nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn do có thể nhạy cảm với casein, một loại protein trong sữa bò.
Nếu bạn bị chứng không dung nạp lactose, sữa có thể gây rối loạn vi khuẩn đường ruột, dẫn tới tiêu chảy hoặc nôn mửa sau khi uống sữa.
Những triệu chứng này cũng có thể dẫn tới mất nước, đây là nguyên nhân chính gây táo bón.
3. Cà phê
Với một số người, cà phê có thể giúp đường ruột hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên với một số người cà phê lại có thể là nguyên nhân gây đầy hơi hoặc táo bón.
Caffeine trong cà phê có thể kích thích các cơ trong hệ tiêu hóa co thắt, giúp thải chất rắn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên cà phê cũng có tác dụng lợi tiểu, có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, dẫn đến mất nước và tăng khả năng bị táo bón.
Nếu bạn đang bị hội chứng ruột kích thích thì cà phê có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn. Trong trường hợp này, bạn nên uống cà phê decaf (nghĩa là cà phê đã loại bỏ caffeine).
(Theo Times of India)