3 dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, cha mẹ không nên bỏ qua

Trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây ra các biến chứng: Sốt cao co giật, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng gây hoại tử ống thận bể thận, nguy cơ suy thận mạn...

Trẻ bị khó tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt... là những dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn tiết niệu. Ảnh minh họa

Trẻ bị khó tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt... là những dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn tiết niệu. Ảnh minh họa

Nhiễm khuẩn tiết niệu là gì?

Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm ở hệ thống tiết niệu. Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi sự gia tăng số lượng vi khuẩn và bạch cầu niệu một cách bất thường.

Nhiễm khuẩn tiết niệu là nhiễm khuẩn đứng thứ 3 sau các nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa ở trẻ. Tùy theo vị trí nhiễm khuẩn mà có các chẩn đoán như viêm bàng quang (nhiễm khuẩn tiết niệu dưới), viêm bể thận (nhiễm khuẩn tiết niệu trên).

Các triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu rất thầm lặng và không điển hình nên dễ bị bỏ qua. Nếu không được phát hiện kịp thời gây ra các biến chứng: Sốt cao co giật, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng gây hoại tử ống thận bể thận, nguy cơ suy thận mạn...

Nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ là do vi khuẩn: đứng đầu là các vi khuẩn đường ruột như e.coli, Enterococcus….

Những yếu tố nguy cơ làm trẻ tăng khả năng nhiễm khuẩn tiết niệu

  • Chít hẹp bao quy đầu ở bé trai
  • Bé gái nguy cơ cao hơn bé trai
  • Do cơ chế miễn dịch chưa đầy đủ
  • Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh
  • Điều kiện vệ sinh kém, thói quen chăm sóc hoặc cha mẹ chăm sóc chưa đúng cách
  • Thói quen nhịn tiểu và uống nước ít của lứa tuổi nhà trẻ
Nhiễm khuẩn tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Nhiễm khuẩn tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

3 dấu hiệu cảnh báo trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Theo khuyến cáo của BV Nhi Trung ương, khi thấy con có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần nghĩ đến trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu và nên đưa trẻ đi thăm khám sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm.

  • Trẻ có các biểu hiện rối loạn tiểu tiện: đái khó, đái buốt, đái rắt, khi đi tiểu phải rặn (rặn è è đỏ cả mặt..), trẻ đái nhiều về đêm, nước tiểu có màu trắng đục (có khi trẻ đái toàn ra mủ trắng), nhiều cặn lắng đọng, mùi khai hoặc nặng mùi hơn bình thường…
  • Nhiều trẻ la hét hoảng hốt khi đái. Có thể để ý thấy bàn tay của trẻ khai do trẻ luôn nắm hoặc kéo dương vật, âm hộ khi đái.
  • Đôi khi trẻ kêu đau vùng hạ vị, vùng thắt lưng, hố thận, đau âm ỷ kèm theo sốt. Tùy tính chất, chủng vi khuẩn mắc phải mà trẻ sốt nhẹ hay sốt cao. Nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp là sốt cao liên tục trên 39 độ C, khó hạ được sốt ngay mà chỉ hạ khi đã điều trị kháng sinh đúng chủng loại có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn sau 3 đến 5 ngày.

Phòng nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ thế nào?

  • Để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ, cha mẹ trẻ phải luôn quan tâm đến việc vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của trẻ, không nên phó thác cho ông bà cũng như thầy cô giáo.
  • Với trẻ nhỏ cần lau khô và thay tã cho trẻ ngay sau khi đi vệ sinh, cần xem có cặn trắng ở bỉm không mỗi khi thay bỉm.
  • Với trẻ gái, cha mẹ nên vệ sinh từ trước ra sau (vệ sinh từ lỗ tiểu ra sau hậu môn) để tránh vi khuẩn vào lỗ tiểu gây nhiễm trùng ngược dòng.
  • Với trẻ trai, quan sát trẻ đi tiểu nếu thấy phồng bao quy đầu hoặc tia tiểu nhỏ cần cho trẻ khám ngay vì có thể do dài hoặc hẹp bao quy đầu.
  • Cha mẹ cần hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen trẻ đi vệ sinh đúng cách.
  • Cần cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.
  • Khi phát hiện trẻ có các bất thường về giải phẫu hệ tiết niệu cần đến khám để phẫu thuật sớm trả lại chức năng sinh lý, chống nhiễm khuẩn tiết niệu do ứ trệ dòng chảy của nước tiểu.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính