Hiểu đúng về cơn đau thắt ngực
Đau thắt ngực là thuật ngữ dùng để chỉ cơn đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, xảy ra khi khả năng cung cấp máu của động mạch vành không có đủ máu đến nuôi tim, thường do mảng xơ vữa trong thành mạch máu. Những mảng xơ vữa này làm hẹp động mạch và hạn chế cung cấp máu cho tim, đặc biệt khi gắng sức.
Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực và phần lớn liên quan đến vấn đề tim hoặc phổi. Đau thắt ngực là triệu chứng cảnh báo điển hình bệnh mạch vạch, có 90% cơn đau ngực là do hẹp động mạch vành. Khi quá trình xơ vữa diễn ra kéo dài trong nhiều năm với sự tích tụ từ các mảng bám vào lòng mạch, làm thành mạch dày lên, cứng lại, mất tính đàn hồi và làm giảm lượng máu đến cơ tim. Lúc này, tim buộc phải làm việc trong môi trường thiếu oxy, từ đó gây đau thắt ngực.
Bất kỳ ai cũng có thể bị đau thắt ngực, nhưng thường xuất hiện ở những đối tượng sau:
- Người cao tuổi;
- Người mắc bệnh tăng huyết áp;
- Người bị rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu);
- Người mắc bệnh đái tháo đường;
- Người hút thuốc lá, béo phì, lối sống thiếu lành mạnh, khoa học.
Đau thắt ngực có thể là cơn đau không rõ ràng, khó phân biệt hoặc có thể trở thành một cơn đau dữ dội như đang có một áp lực rất lớn đè ép lên vùng ngực. Cơn đau có thể lan xuống lưng, cổ, vai trái, thậm chí cả cánh tay. Đôi lúc, một số người còn cảm thấy đầy bụng, khó tiêu. Cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng đổ mồ hôi, buồn nôn, ngất xỉu, choáng váng và khó thở. Việc nhận biết các dạng đau thắt ngực sẽ giúp người bệnh không bỏ qua thời điểm vàng để xử trí cơn đau hiệu quả.
Phòng ngừa cơn đau thắt ngực
Đau thắt ngực là triệu chứng cảnh báo nhiều vấn đề nguy hiểm tới sức khỏe nhưng không đồng nghĩa rằng chúng ta không kiểm soát được bệnh. Dưới đây là những điều mà người bệnh cần ghi nhớ để phòng ngừa đau thắt ngực một cách an toàn và hiệu quả.
1. Tuân theo chỉ định điều trị
Đối với nhóm người bệnh có tiền sử về các bệnh lý tim mạch, việc tuân thủ kế hoạch điều trị và theo dõi đều đặn tại cơ sở y tế là điều quan trọng và cần thiết để ngăn ngừa cơn đau thắt ngực.
Cần theo dõi và kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, nhịp tim, đường máu, lượng mỡ trong máu để phòng ngừa tình trạng đau thắt ngực. Để đạt hiệu quả tốt, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về chỉ số mục tiêu cần đạt và tần suất đo.
2. Thay đổi lối sống phù hợp
Lối sống lành mạnh cũng là yếu tố quan trọng không kém góp phần phòng ngừa đau thắt ngực không chỉ riêng người bệnh mà còn với tất cả mọi người. Các bước thay đổi lối sống cụ thể bao gồm:
- Nghỉ ngơi hợp lý: bạn hãy cân bằng giờ giấc sinh hoạt hợp lý, tránh gắng sức, tránh lo lắng, stress
- Tránh thói quen xấu: bạn hãy từ bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.
- Xây dựng chế độ ăn uống: tăng cường ăn các thực phẩm lành mạnh, đủ chất dinh dường, tăng cường ăn thêm rau xanh, trái cây. Nên ăn nhạt và hạn chế dầu mỡ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, thức uống có ga.
- Tạo thói quen tập thể dục: Nên tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp tình trạng sức khỏe mỗi người, tránh tập quá sức. Nếu trong quá trình tập xảy ra cơn đau ngực bạn hãy nghỉ ngơi ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp điều trị thích hợp.
3. Kiểm soát bệnh lý nền
Đối với trường hợp có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, người bệnh cần nâng cao ý thức kiểm soát bằng cách tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống và thăm khám định kỳ. Điều này góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát tình trạng đau ngực.
An AnBạn đang xem bài viết 3 biện pháp phòng ngừa cơn đau thắt ngực, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].