Trong 2 túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho F0 là trẻ em có gì?

Sở Y tế Đồng Nai mới ban hành hướng dẫn thực hiện 2 túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho F0 là trẻ em.

Theo đó, túi thuốc A sử dụng trong 7 ngày gồm: Thuốc hạ sốt Paracetamol (viên hoặc gói bột hoặc cốm pha hỗn hợp dịch uống, hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg, 250 mg, 325 mg, liều dùng được xác định dựa theo cân nặng, trung bình là 10-15 mg/kg, mỗi lần uống cách nhau 4-6 tiếng nếu còn sốt và không quá 4 lần trong 24 giờ). Phụ huynh cho trẻ uống thuốc hạ sốt 1 liều khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Liên hệ bác sĩ nếu sau khi dùng 1-2 liều thuốc mà vẫn sốt cao.

Thuốc giảm ho (ưu tiên sử dụng thảo dược); thuốc vitamin tổng hợp và khoáng chất hỗ trợ nâng cao sức khỏe; Oresol (7 gói), 1 gói pha trong 1 lít nước sôi để nguội, uống theo nhu cầu thay cho nước thường; dung dịch Natri Corua 0,9% súc miệng, rửa họng, rửa mũi hằng ngày.

Về vật tư y tế, bệnh nhân F0 là trẻ em trên 2 tuổi được cấp 28 cái khẩu trang; 14 túi chứa chất thải lây nhiễm; máy đo SpO2 (sẽ thu hồi máy khi kết thúc cách ly điều trị); nhiệt kế thủy ngân.

Túi thuốc thứ 2 sử dụng trong 3 ngày cho F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp như: khó thở (có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào; nhịp thở đối với trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi nằm yên không khóc bằng hoặc trên 30 lần/phút hoặc trên 40 lần/phút đối với trẻ em từ 1-5 tuổi; SpO2 dưới 95%.

Nếu gia đình trẻ chưa liên hệ được với bác sĩ thì có thể tự cho trẻ sử dụng 1 trong 3 loại thuốc kháng viêm: Dexamethason (0,15 mg/kg/lần, tối đa 6mg), ngày dùng 1 lần bằng đường uống; hoặc Methylprednisolon (1-2 mg/kg/ngày, chia 2 lần bằng đường uống, tối đa 32 mg/ngày); hoặc thuộc Prednisolon 1mg/kg/ngày, uống 1 lần, tối đa 40mg.

  Phần lớn trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hoá. Ảnh minh họa

Phần lớn trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hoá. Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế phần lớn trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).

Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Bộ Y tế đưa ra các dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay, gồm:

- Thở nhanh;

- Khó thở, cánh mũi phập phồng;

- Rút lõm lồng ngực;

- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống;

- Tím tái môi đầu chi;

- SpO2 < 95%.

Ngoài ra, với 8 triệu chứng sau đây của trẻ, gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế:

- Sốt > 38 độ C;

- Đau rát họng, ho;

- Tiêu chảy;

- Trẻ mệt, không chịu chơi;

- Tức ngực;

- Cảm giác khó thở; SpO2 < 96%;

- Ăn/bú kém.

Khi điều trị trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà, trường hợp điều trị không dùng thuốc cần lưu ý

- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.

- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.

- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.

- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.

- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).

- Theo dõi:

+ Đo thân nhiệt tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt

+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.

Hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị COVID-19 cho trẻ em nêu rõ yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng của trẻ mắc COVID-19 là: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân; Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi..);

Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp) Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần).

Ngoài ra, các đối tượng trẻ có các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng khi mắc COVID-19 là trẻ mắc bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Các bệnh lý suy giảm miễn địch bẩm sinh hoặc mắc phải; Bệnh gan - đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống...

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính