Choáng váng với kết quả vô sinh, muốn ly hôn để giải thoát cho vợ
Anh Nguyễn Quý Tới (41 tuổi) và chị Đỗ Trần Hằng Nga (41 tuổi) ở TP Tuyên Quang yêu nhau từ hồi cấp 3, sau 4 năm gắn bó anh chị quyết định tiến tới hôn nhân.
Nhưng trớ trêu thay, kết hôn được 4 năm mà mãi vẫn chưa sinh được mụn con nào, dù đã uống đủ loại thuốc Nam, thuốc Bắc. Người ngoài lời ra tiếng vào bàn tán làm 2 vợ chồng bị mặc cảm, áp lực tâm lý.
Năm 2004, vợ chồng anh Tới đưa nhau xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm khám thì nhận được kết quả làm 2 vợ chồng choáng váng: Anh Tới bị tắc ống dẫn tinh, không có tinh trùng, dẫn đến vô sinh.
Quá sốc với kết quả nhận được nên lúc đó các bác sĩ có khuyên anh chị lựa chọn phương pháp xin tinh trùng, nhưng vợ chồng anh đã không đồng ý và bỏ về.
Bản thân anh Tới khi đó không còn thiết tha thứ gì, chỉ ở nhà chơi và không đi làm vì nghĩ rằng, không thể sinh con thì làm nhiều để làm gì, kiếm tiền cho ai tiêu…
Khoảng thời gian đen tối đó kéo dài suốt 2 năm, nhờ sự động viên của vợ, của người thân anh Tới mới vực lại được tinh thần và cùng vợ tiếp tục hành trình tìm con.
“Cứ nghe ai nói ở đâu có thầy hay, thuốc tốt là vợ chồng tôi lại tìm đến để chữa trị. Điều trị đủ loại thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc… nhưng mãi mà bụng vợ tôi không có động tĩnh gì.
Có lần một người bạn chỉ cho một ông thầy ở tận Thanh Hóa chữa vô sinh, hiếm muốn hiệu quả, vừa nghe tin, vợ chồng tôi vội vã đi từ Tuyên Quang vào Thanh Hóa để thăm khám, lấy thuốc. Những kết quả vẫn thất bại như nhiều lần trước đó” – Anh Tới kể lại.
Năm 2009, quá chán nản với việc chạy chữa bệnh, anh Tới muốn "giải thoát" cho vợ dù vẫn rất yêu vợ. Anh nghĩ đằng nào mình cũng không thể mang lại hạnh phúc gì cho cô ấy, thì nên để cô ấy đi tìm hạnh phúc mới.
Anh nói với vợ: “Anh bị bệnh, không sinh được con, ở với anh tương lai không có, con cái cũng không, ở như vậy cuộc sống vô vị. Người phụ nữ lấy chồng không có con thì khổ lắm, người bên ngoài nhìn vào họ dị nghị, lời ra tiếng vào rất là áp lực, khó sống. Chúng ta hãy chia tay để em đi tìm hạnh phúc mới?".
Mặc dù anh Tới chủ động muốn ly hôn nhưng chị Hằng vợ anh nhất định không đồng ý và quyết cùng anh tiếp tục hành trình tìm kiếm con yêu.
Nhận “quả ngọt” sau 18 năm ròng rã chữa vô sinh, hiếm muộn
Năm 2010 anh Tới tìm hiểu và biết có công nghệ chọc hút mào tinh hoàn để điều trị vô sinh hiếm muộn. Vợ chồng anh Tới tiếp tục khăn gói xuống Hà Nội để điều trị theo phương pháp mới.
Năm 2011 anh Tới tiến hành kiểm tra, thực hiện chọc hút mào tinh hoàn và cho kết quả tốt. Tiếp đó, anh chị tiến hành chọc hút, cấy ghép phôi 2 lần nhưng đều thất bại.
Không chịu bỏ cuộc, đến năm 2017 vợ chồng anh Tới tiếp tục cấy ghép lần 3 tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Bưu điện. Tại đây, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), giúp anh chị nuôi cấy được 16 phôi, chuyển 2 phôi thành công.
Như có phép màu xuất hiện, chị Nga mang song thai. Đến năm 2018, 2 cô công chúa xinh xắn Nguyễn Ngọc Ánh (nặng 2,4 kg) và Nguyễn Ánh Dương (nặng 2,7 kg) đã chào đời thành công trong niềm vui vỡ òa của vợ chồng anh Tới, chị Nga.
Hạnh phúc tới bất ngờ sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi làm anh Tới không kìm được cảm xúc khi chia sẻ về hành trình tìm con của vợ chồng mình tại “Ngày hội tư vấn vô sinh hiếm muộn” do Bệnh viện Bưu điện tổ chức ngày 2/8.
"Vợ tôi đã hy sinh rất nhiều vì chồng, vì con cái. Nếu không có vợ đồng hành, chia sẻ trong suốt thời gian qua thì tôi sẽ không có được kết quả như ngày hôm nay” - Anh Tới xúc động nói.
Tại “Ngày hội tư vấn vô sinh hiếm muộn”, với chủ đề “IVF Bưu điện – Hiệu quả, an toàn, thân thiện”, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết: “Tỷ lệ trứng được thụ tinh theo các phương pháp IVF/ICSI là trên 70%.
Chia theo chu kỳ chuyển phôi thì 68% số ca có thai, và tỷ lệ đem được em bé về nhà là 43%. Mục tiêu của chúng tôi là tăng các chỉ số này theo từng năm. Thực tế là năm 2019, các chỉ số đều tăng 2 - 4% so với năm 2018”.
Hiện Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu điện làm được hầu hết các kỹ thuật Hỗ trợ sinh sản như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA), lấy tinh trùng từ vi phẫu tinh hoàn (MICRO TESE), đông phôi theo phương pháp thủy tinh hóa, hỗ trợ phôi thoát màng, chuyển phôi đông lạnh…
Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện thành công nhiều ca thụ tinh trong ống nghiệm khó như: người bệnh lớn tuổi, người bệnh có tinh trùng bất động 100%...
Linh NhiBạn đang xem bài viết 18 năm rõng rã tìm con và hạnh phúc vỡ òa khi vợ sinh được 2 cô công chúa tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].