1. Nhớ tên những người mình gặp
Nghiên cứu khoa học cho thấy phần lớn mọi người gặp khó khăn trong việc nhớ tên những người đã gặp.
Chuyên gia lễ nghi Evie Granville gợi ý một cách nhớ tên người mới quen nhanh đó là gắn nó với ký ức hoặc người nào đó bạn đã biết.
Ví dụ như "Bạn tên là Lan? Tôi vẫn nhớ người bạn đầu tiên hồi tiểu học của tôi cũng tên là Lan đấy".
2. Mỉm cười
Khi bạn bước vào phòng với một nụ cười, bạn đang mời mọi người tương tác với mình, Granville cho biết.
Theo một nghiên cứu của Thụy Điển, mọi người thường sẽ cười đáp lại khi được người khác chào hỏi với một nụ cười.
3. Biết cách lắng nghe
Theo chuyên gia, người lịch sự sẽ cố gắng thể hiện họ đang chú ý lắng nghe người khác.
Họ không chỉ gật đầu, mỉm cười mà còn đặt ra những câu hỏi thông minh.
"Khi chúng ta cảm thấy được lắng nghe, thái độ của chúng ta với người nghe sẽ cải thiện đáng kể", Granville cho biết.
4. Suy nghĩ trước khi nói
Chuyên gia lễ nghi Lisa Grotts khuyên: "Hãy suy nghĩ trước khi bạn nói và đừng lên tiếng nếu lời nói của bạn sẽ bị quở trách."
Heather Nelson, tác giả của sách 10 Điều Mọi Người Nên Ngừng Nói, cho rằng những người lịch sự sẽ cân nhắc kỹ trước khi nói .
5. Tránh thị phi
Theo Granville, nếu "drama" xuất hiện trong một cuộc buôn chuyện, người lịch sự sẽ giữ im lặng hoặc đưa ra góc nhìn khác.
"Dù người khác ngồi lê đôi mách thì cũng không có nghĩa là bạn phải hạ thấp mình xuống ngang tầm với họ".
Đừng hùa theo mà hãy xoay chuyển chủ đề để tránh thị phi không cần thiết.
6. Không 'chơi trội' khi dự tiệc
Đừng chiếm hết spotlight của chủ nhân bữa tiệc. Hãy khiến chủ bữa tiệc cảm thấy vui vì đã mời bạn. Sau này bạn sẽ được họ tiếp tục mời dự tiệc.
7. Không phàn nàn
“Đừng bao giờ yêu cầu những ưu ái đặc biệt khi dự tiệc như 'Bạn có loại pho mát khác không?' hoặc nói, 'Nếu không có rượu trắng thì tôi không uống đâu'. Đó chỉ là một buổi tối trong đời của bạn. Bạn có thể ăn thứ bạn muốn khi bạn rời khỏi bữa tiệc đó", Grotts nhấn mạnh.
Grotts cũng cho biết những vị khách lịch sự sẽ nói lời cảm ơn với chủ nhà không chỉ một lần mà là hai lần sau khi bữa tiệc kết thúc.
"Hãy gọi hoặc gửi email vào ngày hôm sau để nói lời cảm ơn, sau đó gửi một lá thư viết tay", chuyên gia khuyến nghị.
8. Cân nhắc khi gửi tin nhắn, email
Grotts cho biết: "Ai trong chúng ta cũng từng mắc sai lầm khi gửi tin nhắn hay email và sau đó lại hối hận.
Nếu bạn gửi email cho ai đó, hãy chờ một chút. Hãy gửi nó cho chính bạn và đợi sau 24 giờ.
Sau một thời gian bạn có thể đã suy nghĩ khác, hoặc là tìm được từ ngữ tử tế hơn.
9. Thận trọng khi khen người khác
Theo Granville, người lịch sự tránh khen ngợi liên quan đến cân nặng hay ngoại hình của người khác, nhất là với người đã làm cha mẹ.
Khi bạn khen một người mẹ "Trông chị đẹp quá, chị gầy đi nhiều rồi đấy!", thì điều đối phương cảm nhận được là bạn đang chú ý đến thân hình của họ.
Ngay cả khi bạn nói lời khen ngợi, đối phương chưa chắc đã cho đó là lời khen.
10. Không phán xét
Granville nói rằng đây là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người lịch sự.
"Đừng bao giờ cho rằng bạn biết điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của người khác. Bạn không biết liệu một người nào đó có người thân vừa qua đời hay đã phải thức cả đêm chăm con", cô nói.
11. Biết khi nào nên từ chối và từ chối như thế nào
"Từ chối là việc cần nhiều can đảm", Grotts khẳng định. "Nhưng khi nói ra điều đó bạn sẽ cảm thấy được giải phóng. Như những việc khác, từ chối cũng cần phải tập luyện".
12. Có sự chuẩn bị
Nếu bạn có con, chắc hẳn bạn đã một vài lần gặp cảnh con quất khóc nơi công cộng.
Nếu là cha mẹ lịch sự, bạn nên ghi nhớ một số tình huống và chuẩn bị trước đề phòng nó lặp lại.
Ví dụ công việc của bạn mất nhiều thời gian hơn dự kiến, khiến con bạn đói và cáu gắt, hãy thủ sẵn một chiếc bánh trong túi.
Nếu con bạn quấy khóc vì bị ù tai khi đi máy bay, hãy chuẩn bị bông bịt tai và chai nước.
Khi bạn có thể lường trước những nhu cầu của con, bạn sẽ đảm bảo được con luôn vui vẻ và cả mọi người xung quanh cũng vậy.
13. Biết đồng cảm
Theo Grotts, thước đo sau cùng của các phép xã giao chính là cảm giác bạn tạo cho người khác.
"Nếu họ rời đi với cảm giác vui vẻ, bạn đã hoàn thành nhiệm vụ. Nếu bạn nói điều gì đó xúc phạm họ, họ có thể không muốn làm bạn với bạn".
Người lịch sự biết điều này và đối xử với người khác một cách phù hợp.
Khi chúng ta tiếp cận những cuộc trò chuyện khó khăn hoặc gây tranh cãi bằng sự đồng cảm, kết quả của những cuộc trò chuyện đó ngay lập tức trở nên tích cực — hoặc ít nhất là trung lập.
Điều này cho phép chúng ta vun đắp những mối quan hệ bền chặt, lâu dài.
(Theo RD)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 13 thói quen hàng ngày của người lịch sự, hiểu biết tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].