Dưới đây là những điều khác thường mà đối với người xưa lại là bình thường.
1. Giấc ngủ đa pha
Người châu Âu ở thời Trung Cổ thường ngủ theo cách mà chúng ta gọi là giấc ngủ hai pha. Giấc ngủ thứ nhất bắt đầu khi mặt trời lặn và kéo dài đến khoảng nửa đêm, sau đó họ sẽ thức 2 - 3 tiếng đồng hồ. Có người dùng thời gian đó để cầu nguyện hay đọc sách, có người dành thời gian cho gia đình hay hàng xóm. Sau đó họ lại đi ngủ cho đến khi mặt trời mọc.
2. Đồng hồ báo thức sống
Hồi giữa thế kỷ 18 cho đến tận những năm 1950, cố một nghề được gọi là "knocker-upper". Công việc của những người này là đánh thức những ai cần dậy sớm. Họ sẽ gõ cửa sổ của khách bằng một cây gậy. Không rõ ai là người đánh thức các "knocker-upper", nhưng có phiên bản cho rằng họ không đi ngủ trước khi hoàn thành công việc.
3. Mặc váy cho bé trai
Từ thế kỷ 16 đến tận khoảng năm 1920, các bé trai ở độ tuổi nhất định (từ 4 đến 8 tuổi) mặc váy là việc bình thường. Lý do chính có lẽ là giá quần áo cho bé trai quá cao, trong khi đó váy thì dễ mặc và dù trẻ lớn hơn thì vẫn có thể mặc vừa. Thậm chí cả hoàng gia cũng theo quy tắc này. Bức ảnh trên là hoàng tử Alexei, con trai Nga hoàng Nicholas II, cũng mặc váy như các chị em của mình.
4. Giày chopine
Giày chopine, còn gọi là zoccoli hay pianelle, là loại giày có thể cao tới 50 cm. Loại giày này không chỉ phục vụ mục đích thời trang mà còn giúp người mang giày tránh lấm bùn vào quần áo khi đi trên đường lầy.
5. Trích máu trị bách bệnh
Phương pháp trích máu chữa bệnh đã phổ biến suốt khoảng 2.000 năm đến tận đầu thế kỷ 20. Trích máu được áp dụng để chữa mọi chứng bệnh và thực tế gây hại nhiều hơn lợi vì làm người bệnh càng yếu hơn.
6. Ở bẩn
Ở một số quốc gia Trung Cổ, con người tin rằng nước chỉ mang lại bệnh tật cho con người, và chấy rận được cho là "ngọc trai của Chúa". Đến cả hoàng gia cũng có niềm tin này. Nữ hoàng Isabella I xứ Castille từng tự hào vì bà chỉ tắm rửa hai lần trong đời mình: trước khi sinh và trước ngày cưới.
7. Chụp ảnh người chết
Phong tục này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng ở thế kỷ 19 thì đó là cách lưu giữ kỷ niệm về người đã khuất. Theo đó, xác chết sẽ được ăn mặc như người sống để chụp ảnh, ngồi ở tư thế tự nhiên, vẽ mắt giả trên mí mắt nhắm, và chụp ảnh như hình trên.
8. Sản phẩm làm đẹp chứa chất phóng xạ
Ở thế kỷ 20, bức xạ được coi là một hiện tượng tích cực và nhiều kẻ lừa đảo đã vịn vào để lừa gạt mọi người: mua mỹ phẩm, thức ăn và đồ uống chứa nhiều radium, thori; đồ lưu niệm phóng xạ và thậm chí cả thiết bị để làm bão hòa nước với các nguyên tố phóng xạ. Đáng buồn thay, nhiều người đã phải thiệt mạng vì các sản phẩm làm đẹp chết người này.
9. Chữa ho bằng ma túy
100 năm trước, ma túy từng được cho là chất thay thế vô hại cho morphone và được bán ở các hiệu thuốc để chữa ho. Nó còn được dùng cho trẻ em. Mãi đến năm 1924 chất này mới bị cấm, nhưng ở Đức thì phải tới năm 1971 luật cấm mới được ban hành.
10. Hút thuốc trên máy bay
50 - 60 năm trước, hút thuốc không được cho là thói quen xấu. Mọi người coi đó là việc bình thường và hút thuốc cả trên máy bay bất chất có những hành khách khác. Ngày nay hút thuốc trên máy bay đã bị cấm. Với các hãng Việt Nam, mức phạt cho vi phạm hút thuốc trên máy bay là 3-5 triệu đồng. Nếu du khách hút thuốc tại khu vực không được phép trong sân bay, mức phạt là 5-10 triệu đồng.
11. Máy tắm
Ở thế kỷ 18, 19, con người không thể đơn giản cứ đi xuống biển là tắm. Họ phải sử dụng máy tắm: một chiếc xe đặc biệt trông như những túp lều trên bãi biển. Chiếc xe được kéo xuống nước để người đi tắm có thể bơi trong đó mà không bị ai nhìn ngó. Ngoài ra, máy tắm của phụ nữ còn được đặt xa hơn của nam giới.
12. Dùng đá thay cho giấy vệ sinh
Trước khi giấy vệ sinh ra đời, con người từng dùng lá cây, lõi ngô, vỏ dừa, lông cừu, vải, bọt biển, gậy, nước để thay thế. Nhưng người Hy Lạp cổ đại còn "bá đạo" hơn thế: Họ dùng đá, sỏi hoặc mảnh gốm thay cho giấy vệ sinh.
(Theo BS)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 12 điều kỳ quặc mà người xưa thường làm, số 7 khiến bạn rùng mình tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].