Dưới đây là 10 điều dù cha mẹ ra sức ngăn cản, trẻ sẽ cố làm bằng được
1. Không nghịch ngợm
Khi trẻ bày trò nghịch ngợm chính là cách chúng khám phá thế giới, khám phá những điều mới lạ, tăng khả năng nhận thức và phát triển sự sáng tạo.
Nhưng vì sợ con nghịch bẩn, con phá hỏng đồ chơi, hoặc đơn giản chỉ vì trông con nghich quá mệt mà cha mẹ đưa ra lời cấm đoán, kiểu như: ''Con đừng nghịch nữa", ''Con có dừng lại ngay không''...
Điều này chỉ làm trẻ rất ức chế và hạn chế khả năng sáng tạo của bé, dần dần dẫn tới ù lì, chậm chạp, còn thực tế, ngay lúc đó trẻ sẽ không bao giờ dừng việc nghịch lại, thậm chí chúng sẽ phá phách hơn để chống đối.
Thay vì cấm con không được phép chơi, cha mẹ nên cùng chơi với con và dạy cho con cách bảo vệ mình trước những trò chơi nguy hiểm.
2. Không được ăn
Tâm lý của trẻ khi bị cấm ăn hoặc hạn chế ăn uống đó là chúng luôn có suy nghĩ: “Mình sẽ chén món này khi mẹ quay đi”. Với trẻ béo phì, việc cha mẹ càng cấm trẻ ăn sẽ càng khiến trẻ trở nên thèm ăn hơn, khi được ăn chúng sẽ ăn thả cửa và khả năng béo phì càng tăng cao.
Cha mẹ hãy nhớ rằng trẻ cũng có quyền được nếm đủ món đủ vị, để tự biết cảm giác thế nào là cay, là đắng, là ngọt, là chua; nếu ăn nóng quá hay lạnh quá thì có sao không, con có thích không? Dần dần, chính trẻ sẽ học được đâu là món ăn được, đâu là món không hợp với chúng.
Thay vì cấm đoán, cha mẹ hãy chuẩn bị cho con những món ăn có lợi cho sức khỏe của bé, cho bé ăn đa dạng thực phẩm. Thi thoảng, cũng nên chiều chuộng sở thích của con như một phần thưởng.
3. Không ăn/uống đồ lạnh
Nước lạnh, đá lạnh hay đồ lạnh là một trong những thứ trẻ bị cấm đoán nhiều nhất, lý do là nước lạnh không tốt cho sức khỏe của trẻ, nhất là đối với những trẻ hay bị viêm họng, ho… Tuy nhiên, bạn thấy đấy, nước ngọt hay kem là món trẻ thường thèm thuồng và khao khát, chúng sẽ ăn ngay khi có cơ hội.
Cha mẹ sẽ không thể cấm trẻ được đâu, thay vào đó bạn hãy hạn chế thói quen uống nước lạnh trong gia đình, hoặc để nước lạnh xa tầm tay trẻ. Còn món kem, thi thoảng ăn thì cũng… không sao.
4. Không chơi game
Game là món bất cứ đứa trẻ nào cũng ghiền. Thậm chí, người lớn còn ghiền huống chi lũ trẻ! Tác hại của game đối với tuổi thanh thiếu niên khiến các bậc phụ huynh càng có chiều hướng ngăn cấm trẻ chơi game.
Nỗi lo của cha mẹ là không sai, nhưng hãy “cấm đoán” một cách “văn minh” nhé. Tuyệt chiêu là: cho con chơi game giải trí vào một khung giờ cố định trong ngày và tốt nhất hãy coi đó là phần thưởng mà con bạn xứng đáng được hưởng. Nhất định không cho trẻ chơi khi con chưa hoàn thành công việc hay bài tập được giao.
5. Không nói nhiều
Cha mẹ thường thấy mệt mỏi vì trẻ nói quá nhiều, trong khi cha mẹ đi làm về mệt mỏi cộng thêm hàng tá công việc ở nhà, vì thế thỉnh thoảng cha mẹ sẽ quát: ''Nói ít thôi''.
Tuy nhiên, điều này rõ ràng thật bất công với trẻ, chúng thích nói nhiều trong giai đoạn tập nói và mới nói sõi, trẻ thấy được thoải mái nói ra những gì mình nghĩ, điều đó thật hạnh phúc biết bao.
Trò chuyện giúp chúng giải tỏa được mớ suy nghĩ hỗn độn trong đầu và phát triển khả năng tư duy, khả năng ngôn ngữ, khả năng trình bày - những kỹ năng rất có lợi khi bé trưởng thành. Vì thế, bạn không nên cấm trẻ nói nhiều. Thay vào đó, hãy dặn con nói nhẹ nhàng mỗi khi ba mẹ đang mệt.
6. Không đòi hỏi
Cha mẹ thường hay coi những sở thích của con là đòi hỏi. Vi dụ, khi nhìn thấy món đồ chơi đẹp, con muốn mua, đây là tâm lý bình thường của bất cứ đứa trẻ nào.
Vì thế, cha mẹ cần phải dạy trẻ cách phân biệt giữa ý thích và sự sở hữu. Hãy nói với con: con thích thứ đó à, ba/mẹ cũng thích, nó thật đẹp nhưng mình sẽ mua vào lúc khác… thay vì nạt nộ một câu: con đừng đòi hỏi nữa.
7. Không đánh nhau
Đánh nhau, cào cấu hay cắn nhau với trẻ đôi khi chỉ là một trò đùa, đó là cách giúp trẻ giải tỏa tâm lý: bực tức, nóng nảy, cáu gắt… nhất lá khi bé bị anh/chị/em chọc ghẹo.
Bạn đừng nghĩ rằng cứ cầm là trẻ sẽ không đánh nhau nữa, vì con trẻ chưa kìm chế được cảm xúc. Bởi thế, thay vì cấm, cha mẹ hãy làm một vị quan tòa phân minh, chỉ cho con biết đúng-sai, vạch ra lỗi của từng bên và đưa ra biện pháo xử lý phù hợp. Ví dụ, tách chúng ra một lúc chẳng hạn.
8. Không cãi vã
Cãi vã là điều hết sức bình thường với tất cả mọi người, ngay cả với trẻ con nói còn đang ngọng líu lo.
Thật buồn cười khi nghe bọn trẻ cãi nhau, vì “ăn chưa nên đọi, nói chưa nên lời” mà cãi nhau như đúng rồi. Nếu có thời gian, bạn hãy quan sát lũ trẻ cãi vã để cảm nhận được cảm xúc của chúng, chắc chắn bạn sẽ có nhiều phát hiện thú vị về khả năng đối đáp của trẻ,bạn sẽ biết khả năng lập luận cũng như sự hoạt ngôn của từng trẻ.
Sau đó, nhớ phân xử công bằng nhé, những vị quan tòa “người lớn”. Cách tốt nhất là dạy cho chúng cách thỏa hiệp thay vì cãi vã.
9. Không hỗn láo
Trẻ nhận thức sự lễ phép/vô lễ từ sớm nhờ vào sự chỉ dạy và học theo cha mẹ. Nếu cha mẹ điềm đạm, không cãi vã, không nói bậy… thì trẻ thường rất lễ độ, trừ phi bé quá nhút nhát không dám nói lời chào hỏi. Lúc này, bạn nên kéo con lại, thủ thỉ với bé chứ đừng phê phán.
Còn nếu con bạn vô tình học ở đâu đó vài câu nói hỗn láo thì nên chấn chỉnh ngay là điều cần thiết. Nhưng thay vì nói chung chung một câu “con đừng có hỗn”, thì hãy giải thích cho bé biết bé nói như vậy là không hay và người khác phiền lòng thế nào.
10. Không được… tự xúc cơm
Thật quá sai lầm khi nhiều bà mẹ siêu sạch đưa ra lời cấm đoán con tự xúc ăn với lý do trẻ sẽ làm bẩn và mất thời gian,Cha mẹ đang tước đi thói quen tự phục vụ của con mình đấy. Hãy thử để cho con tự xúc ăn, bạn sẽ thấy chỉ sau một thời gian ngắn làm vương vãi đồ ăn, bé sẽ trở nên khéo léo, vui vẻ, chú tâm vào việc ăn uống và thành thục trong chuyện tự phục vụ.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết 10 điều cha mẹ càng cấm đoán, trẻ càng 'cố chấp' muốn làm tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].