Bệnh ung thư lưỡi là gì?
Theo bác sĩ BV Ung bướu Hà Nội, ung thư lưỡi là một loại ung thư vùng đầu cổ. Ung thư là khi các tế bào bất thường bắt đầu phân chia và phát triển một cách không kiểm soát.
Lưỡi được chia làm hai phần gồm: Phần lưỡi (trong) miệng và phần gốc lưỡi. Và ung thư có thể phát triển ở một hoặc cả hai phần này.
Phần lưỡi miệng là phần có thể nhìn thấy khi há miệng. Đây là hai phần ba trước của lưỡi. Ung thư phát triển ở phần này của lưỡi thuộc một nhóm ung thư gọi là ung thư khoang miệng.
Còn phần gốc lưỡi là một phần ba sau của lưỡi. Phần này nằm rất gần họng. Loại ung thư phát triển ở phần này được gọi là ung thư họng miệng.
Loại ung thư lưỡi thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy. Tế bào vảy là những tế bào phẳng giống tế bào da, bao phủ niêm mạc miệng, mũi, thanh quản, tuyến giáp và họng. Ung thư biểu mô tế bào vảy là tên gọi của một loại ung thư bắt nguồn từ các tế bào này.
10 triệu chứng của ung thư lưỡi
- Mảng đỏ hoặc trắng trên lưỡi lâu ngày không biến mất
- Đau họng lâu không khỏi
- Vết viêm loét hoặc u trên lưỡi lâu ngày không hết
- Đau khi nuốt
- Cảm giác tê trong miệng
- Cảm giác đau hoặc bỏng rát trên lưỡi
- Gặp khó khăn khi cử động lưỡi hoặc nói
- Có hạch ở cổ
- Chảy máu lưỡi không rõ nguyên nhân (không phải do cắn vào lưỡi hay chấn thương khác)
- Đau ở tai (hiếm gặp)
Những triệu chứng nói trên cũng có thể do một tình trạng bệnh lý ít nghiêm trọng hơn gây ra. Nhưng tốt nhất, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu trên, mọi người nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, thăm khám sớm, tránh bệnh chuyển biến nặng.
Những yếu tố nguy cơ gây ung thư lưỡi
Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra hầu hết các loại ung thư vùng đầu cổ, tuy nhiên nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác định như:
- Hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào, xì gà và tẩu)
- Thường xuyên uống nhiều rượu
- Nhai trầu: là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người không nhai trầu.
- Tình trạng vệ sinh răng miệng: vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư.
- Chế độ dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư khoang miệng.
- Nhiễm virus HPV: Virus HPV là một loại virus lây nhiễm trên da và các tế bào niêm mạc bên trong cơ thể. Đối với hầu hết mọi người, tình trạng nhiễm trùng sẽ tự thuyên giảm và họ sẽ không bao giờ biết mình đã bị nhiễm virus. Đây là loại virus thường gặp, không gây hại cho hầu hết mọi người. Nhưng với nhiều người, virus này có thể gây những thay đổi trong miệng và lưỡi, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở vùng đó.
Để phòng bệnh ung thư lưỡi, mọi người cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ nói trên và nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh. Hiện, tỷ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao. Vậy nên, mọi người cần thăm khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường như có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ; nhai nuốt mất cảm giác… giúp phát hiện sớm bệnh và kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm nâng cao hiệu quả.
An AnBạn đang xem bài viết 10 dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi mà nhiều người dễ bỏ qua tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].