1. Dọn dẹp phòng và bàn học
"Một chiếc bàn lộn xộn là dấu hiệu của một tâm trí lộn xộn." Đây không phải chỉ là câu nói của các bà mẹ để khiến bạn dọn dẹp bàn học hay phòng ốc của mình, mà nó còn đúng về mặt khoa học.
Xung qanh càng bừa bộn thì bạn càng khó tập trung học và ôn tập, vì bộ não bị ảnh hưởng bởi quá nhiều phiền não, giảm khả năng tư duy và dẫn đến căng thẳng.
Do đó hãy dọn dẹp bàn và phòng của mình, loại bỏ tất cả những đồ đạc không cần thiết theo nguyên tắc tối giản. Những chiếc kẹp, những bức ảnh, những món đồ ăn vặt,... nếu không cần thiết hãy cất hết khỏi tầm mắt của bạn.
2. Đọc sách để giải trí
Nghiên cứu của ĐH Sussex cho thấy đọc sách khi rảnh rỗi để giải trí có thể giảm căng thẳng tới 68%.
Đọc sách giúp cơ thể thư giãn bằng cách làm chậm nhịp tim, giúp các cơ của bạn bớt căng thẳng.
Vì vậy nếu thấy cảm thấy quá áp lực trước kỳ thi, hãy chọn một quyển sách hay và nghỉ giải lao để đọc sách trong khoảng 10 phút.
3. Giảm nạp đường vào cơ thể
Khi căng thẳng, tuyến thượng thận giải phóng hormone căng thẳng cortisol. Cortisol có thể ảnh hưởng lượng đường trong máu. Do đó bạn càng nạp nhiều đường thì sẽ càng thấy căng thẳng.
Để giảm nạp nhiều đường vào cơ thể, bạn cần lưu ý không bỏ bữa sáng, không ăn ngũ cốc hay kẹo nhiều đường, không uống đồ uống có đường.
Thay vào đó, hãy ăn bữa sáng giàu protein như trứng, bơ lạc, các loại hạt, ăn nhiều hoa quả trong ngày và ăn các loại cá.
4. Giảm sử dụng điện thoại
Điện thoại có thể gây căng thẳng và còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trí não của bạn. Do đó, hãy giảm thời lượng và tần suất dùng điện thoại bằng cách: chỉ kiểm tra thông báo một hoặc hai lần trong ngày, tắt âm thanh thông báo, cài điện thoại ở chế độ máy bay hoặc tắt điện thoại sau 9 giờ tối.
Nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong việc "cai" điện thoại, hãy sử dụng một số ứng dụng vui như Forest, Moment hay Offtime để giúp bạn cân bằng công việc và thời gian dùng điện thoại của mình.
5. Nghĩ về những ký ức vui vẻ
Serotonin là một chất hóa học tự nhiên trong bộ não đóng nhiều vai trò trong việc điều chỉnh tâm trạng, bộ nhớ, giấc ngủ, tiêu hóa, và nhiều hơn nữa.
Một cách để cơ thể sản sinh nhiều serotonin hơn là suy nghĩ tích cực.
Đơn giản bằng cách nghĩ về những ký ức vui vẻ khiến bạn mỉm cười, nó sẽ giúp bạn giảm cảm giác căng thẳng, mệt mỏi.
6. Tiếp xúc ánh sáng mặt trời mỗi ngày
Một cách khác để tăng mức serotonin của bạn là tăng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
5 đến 15 phút tiếp xúc ánh sáng mặt trời mỗi ngày sẽ giúp giữ mức serotonin của bạn trong phạm vi lành mạnh.
7. Hát
Hát sẽ giúp giảm căng thẳng và lấy lại tinh thần hiệu quả. Khi bạn hát, endorphins sẽ được sản sinh. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau và nhiều hơn thế nữa.
Bạn càng hát sẽ càng tăng lượng endorphins và giảm lượng cortisol trong cơ thể.
8. Áp dụng các kỹ thuật quản lý thời gian
Một nghiên cứu trên các học sinh đã chứng minh rằng, những học sinh được học các kỹ thuật quản lý thời gian sẽ ít lo lắng trước các kỳ thi hơn những học sinh không được học.
Quản lý thời gian hiệu quả bao gồm nghỉ ngơi đủ, ngủ đủ giấc, nhờ đó bạn sẽ tràn đầy năng lượng và tăng khả năng tập trung khi học tập.
Quản lý thời gian tốt sẽ giúp bạn không cảm thấy bị quá tải và bớt căng thẳng hơn. Dưới đây là một số kỹ thuật quản lý thời gian giúp bạn có thể trở thành học sinh giỏi trong khi vẫn ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm:
- Nghỉ giải lao sau mỗi một khoảng 40 - 50 phút học tập: Chia thời gian học thành các khoảng 40 - 50 phút sẽ giúp học sinh đạt năng suất tốt nhất.
- Hoàn thành bài tập ít nhất 1 - 2 ngày trước hạn chót: Như vậy bạn sẽ có thời gian xem lại bài làm của mình.
- Lên lịch học cố định: Đánh dấu vào lịch hàng ngày của mình và coi đó như một cuộc hẹn cố định.
9. Viết xuống mọi thứ khiến bạn lo lắng
Các nhà nghiên cứu của ĐH Chicago đã chứng minh, vài phút ghi lại những lo lắng, sợ hãi của bạn trước khi kiểm tra sẽ giúp bạn giảm lo lắng và đạt điểm số cao hơn.
Trong thí nghiệm trên, các học sinh đã được yêu cầu viết những suy nghĩ về bài thi trước mắt ngay trước khi thi.
Kết quả cho thấy việc viết những suy nghĩ đó giúp cải thiện kết quả điểm số của học sinh, nhất là với những học sinh thường xuyên lo lắng, căng thẳng trong thi cử.
Viết xuống vài dòng những lo lắng về kỳ thi sẽ giúp bạn có thể đạt điểm cao hơn, vậy thì có lý do gì mà không thử?
10. Nghe nhạc nhẹ, nhạc cổ điển
Không chỉ hát mà nghe nhạc, đặc biệt là những loại nhạc nhẹ và nhạc cổ điển, không lời, các bản nhạc của Mozart,...
Sức mạnh của âm nhạc đã được chứng minh là công cụ quản lý căng thẳng hiệu quả.
Nghe nhạc giúp cả trí óc và cơ thể bạn thư giãn, làm chậm nhịp tim, hạ huyết cáp, giảm hormone căng thẳng.
Do đó hãy dành 10 phút mỗi ngày để nghe nhạc cổ điển nhẹ nhàng, điều chỉnh tâm trạng của bạn trước kỳ thi.
Theo Daniel Wong
Daniel Wong (tác giả cuốn sách 'The Happy Student: 5 Steps to Academic Fulfillment and Success') đã nhận được học bổng toàn phần ở Đại học Duke, một trong những trường đại học hàng đầu thế giới.
Anh tốt nghiệp hai chuyên ngành năm 2011 tại đại học Duke với tấm bằng xuất sắc, điểm trung bình 3.98/4.0. Trong sự nghiệp học tập, anh chưa bao giờ đạt điểm thấp hơn A ở các kỳ thi chuyên.
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết 10 cách hay cho học sinh để giải tỏa căng thẳng thi cử và làm bài tốt hơn tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].