Theo thống kê của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, hiện toàn quốc có 65 bệnh viện Y Dược cổ truyền công lập tuyến trung ương và tuyến tỉnh; Tỷ lệ bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ Y Dược cổ truyền đạt 92,7%; Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng Y dược cổ truyền đạt 84,8%; Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, PGS.TS Vũ Nam, Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương có 45 chế phẩm trên cơ sở đã được nghiên cứu bài bản theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đáng chú ý, học cổ truyền góp một phần cùng với y học hiện đại điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Hiện nay các bệnh nhân ung thư ngày càng phát hiện sớm, tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng lên, tuổi thọ của các bệnh nhân ung thư ngày càng kéo dài hơn, do việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời của y học nước nhà.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật về vấn đề tia xạ, các hóa chất, biệt dược đánh vào tế bào đích, kết quả chẩn đoán sớm, phẫu thuật sớm thì có vai trò không nhỏ của y học cổ truyền trong việc nâng cao cơ hội sống, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Bởi sau khi bệnh nhân điều trị xạ trị thì thường có ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh, đó là một số tác dụng của tia xạ làm giảm sức đề kháng, hệ miễn dịch của người bệnh, có thể khiến người bệnh rụng tóc, giảm cân, viêm nhiễm...
Khi đó, y học cổ truyền hỗ trợ y học hiện đại trong vấn đề chăm sóc người bệnh, tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch để người bệnh nâng cao sức khỏe, chuẩn bị cho đợt xạ trị tiếp theo.
Trong toàn bộ hệ thống khám bệnh công lập và tư nhân luôn luôn thừa kế và phát huy các bài thuốc từ gia truyền, bài thuốc kinh nghiệm, bài thuốc cổ phương được nghiên cứu theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về nghiên cứu thừa kế bài thuốc y học cổ truyền, đánh giá 3 bước.
Cho đến nay, rất nhiều các bài thuốc ở các vùng miền, khắp các đề tài chương trình công nghệ cấp nhà nước của các Bộ, các tỉnh, các TP, rất nhiều chế phẩm được đưa ra và để từng bước theo kịp công nghiệp Dược.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền Phạm Vũ Khánh cảnh báo, hiện nay vẫn đang tồn tại tình trạng nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà quảng cáo rầm rộ các bài thuốc nam, thuốc bắc trong điều trị bệnh, người dân không nên tự dùng thuốc của những cá nhân không được cấp phép mà cần tới các cơ sở y tế thăm khám, uống thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Trong 2 ngày 5,6/9/2019, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị về y học cổ truyền, y học dân gian của các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông lần thứ 9 năm 2019.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai những nội dung đã được Hội nghị lần 8 năm 2017 đề ra, đồng thời tiếp tục thảo luận những nội dung hợp tác về Y dược cổ truyền của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có một số hoạt động như: triển lãm về y học cổ truyền các nước, thao diễn các phương pháp chữa bệnh độc đáo bằng y học cổ truyền và hội thảo khoa học quốc tế.
Cũng tại hội nghị này, 32 cá nhân sẽ được trao Giải thưởng Lãn Ông lần thứ 5.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Y học cổ truyền tham gia điều trị bệnh ung thư như thế nào? tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].