Theo Bộ Y tế, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 24, cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, tại các địa phương, đơn vị công tác y dược cổ truyền cũng từng bước được quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Điển hình như: Hệ thống mạng lưới về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố và phát triển; chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại ngày càng được chú trọng, công tác khám chữa bệnh YHCT tại tuyến y tế cơ sở từng bước được quan tâm.
Cùng với đó, công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước được chú trọng; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng dược liệu, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳn thắn nhìn nhận, nguồn lực đầu tư cho y dược cổ truyền chưa tương xứng với vai trò quan trọng của lĩnh vực này trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đặc biệt, đầu tư tài chính cho y dược cổ truyền chưa được quan tâm đúng mức. Việc bố trí nguồn vốn cho y dược cổ truyền còn gặp khó khăn.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện YHCT toàn quốc giai đoạn 2014-2025 nhưng đến nay số bệnh viện được đầu tư kinh phí để xây dựng còn khiêm tốn. Tỷ lệ kinh phí chung chi thực tế so với quyết định đầu tư đạt 9,34%, trong đó ngân sách từ Trung ương chi thực tế chỉ đạt 4,36% so với quyết định giao ngân sách từ Trung ương; ngân sách địa phương đạt 18,14% và từ nguồn ngân sách khác đạt 2,52%.
Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các bệnh viện YHCT trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), liên thông BHYT. Kinh phí chi cho mua dược liệu, vị thuốc YHCT ở cả hệ thống bệnh viện YHCT và Khoa YHCT trong các bệnh viện đa khoa ở 55 tỉnh, thành phố chỉ tương đương kinh phí mua thuốc của một bệnh viện đa khoa tuyến trung ương.
Chính sách ưu tiên cho việc trồng, sản xuất nguồn dược liệu chưa đủ hấp dẫn các DN sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, vị thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ YHCT chưa có sức cạnh tranh, chưa tạo được bước đột phá, các dịch vụ YHCT của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn.
Từ đó, việc trồng dược liệu vẫn mang tính tự phát, một số dược liệu không có đầu ra dẫn đến dư thừa, trong khi nhiều loại có khả năng nuôi trồng ở trong nước nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư và phát huy vai trò của y dược cổ truyền, tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống quản lý nhà nước lĩnh vực y dược cổ truyền; ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tài chính cho các chương trình, dự án và hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo tồn, thừa kế trong lĩnh vực y dược cổ truyền.
Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội Đông y Việt Nam, của các tổ chức đoàn thể và của cả cộng đồng trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị của nền y dược cổ truyền; tăng cường công tác xã hội hóa về y dược cổ truyền nhằm huy động nguồn lực, thành phần tham gia, tiếp tục quan tâm công tác nghiên cứu khoa học như nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu nuôi trồng và chế biến dược liệu; gắn quá trình nghiên cứu với thực tiễn nuôi trồng dược liệu và sản xuất của các doanh nghiệp.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Đầu tư cho y học cổ truyền: chưa tương xứng, nhiều dược liệu có khả năng canh tác vẫn phải nhập khẩu tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].