Ngày 25/11 hàng năm - Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát năm 1960 tại Cộng hòa Đôminíc. Là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Là một trong những quốc gia sớm tham gia Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, trong những năm qua, Việt Nam ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Một trong những biện pháp quan trọng mà Việt Nam áp dụng để hoàn thành trách nhiệm của một quốc gia thành viên, đó là việc xây dựng chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới.
Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2022 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và cộng đồng cần hiểu biết các vấn đề cơ bản và ý nghĩa việc phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình. Hiểu rằng bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.
Hưởng ứng “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2024” và “Tháng hành động vì đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” với các hoạt động chính:
Tổ chức Lễ phát động, mít tinh, biểu diễn nghệ thuật…; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hàng động với các hình thức phù hợp, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền về chủ đề, thông điệp, các hoạt động của Tháng hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp…
Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, giao lưu văn nghệ, thể thao, tập huấn,… với các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2024; tuyên truyền các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em nói riêng, vai trò của việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc thúc đẩy bình đẳng giới; tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới…;
Tổ chức hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và công tác triển khai Tháng hành động năm 2024 nói riêng.
Tăng cường thực hiện số hóa trong truyền thông thông qua mạng xã hội nhằm tiếp cận tới nhiều người dân hơn, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên,… để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động… Tăng cường các hoạt động kiểm tra việc thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tháng hành động. Xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và trong thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội.
Hưởng ứng “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2024” và “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2024”, mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội cần lên tiếng đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới, nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới để xây dựng cộng đồng “an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”.
PVBạn đang xem bài viết Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].