PGS. TS Nguyễn Vũ Trung (PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Trưởng Bộ môn Vi sinh, Bộ môn Vi sinh-Ký sinh trùng lâm sàng, Đại học Y Hà Nội tư vấn: Hiện có hai nhóm kỹ thuật xét nghiệm chủ yếu để phát hiện SARS-CoV-2, một loại phát hiện virus thông qua vật liệu di truyền (acid nucleic-ARN) của virus và một loại phát hiện đáp ứng miễn dịch với virus này.
Hầu hết các kỹ thuật phát hiện vật liệu di truyền của virus là các kỹ thuật sinh học phân tử dựa vào nguyên lý khuếch đại gen của SARS-CoV-2. Kỹ thuật thường dùng nhất là PCR (Polymerase Chain Reaction-Phản ứng chuỗi trùng hợp).
Các kỹ thuật này phát hiện sự có mặt của ARN virus trong mẫu bệnh phẩm từ người (người bệnh/hoặc người nghi ngờ) nhiễm virus. Loại bệnh phẩm thường dùng nhất là dịch ở họng mũi (tỵ hầu) và họng miệng (khẩu hầu).
Người ta dùng dụng cụ tăm bông chuyên dụng đưa vào mũi với độ sâu nhất định để lấy dịch tỵ hầu và tăm bông đưa vào họng miệng của bệnh nhân để lấy dịch ở đây. Theo khuyến cáo, để phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR người ta nên lấy cả hai loại bệnh phẩm này. (Với bệnh nhân bị viêm phổi, ngoài hai loại dịch kể trên, một số loại dịch tiết ở đường hô hấp dưới như đờm, dịch rửa phế quản… cũng có thể được dùng để xét nghiệm)
Thông thường, khả năng phát hiện virus ở dịch họng mũi cao hơn ở dịch họng miệng. Người ta thường lấy cả hai loại dịch từ một người rồi để chung vào một ống có môi trường bảo quản. Môi trường này được vận chuyển về phòng xét nghiệm để xử lý, tách vật liệu di truyền, thực hiện kỹ thuật PCR để phát hiện sự có mặt của virus trong bệnh phẩm.
Việc phát hiện ARN của SARS-CoV-2 từ bệnh phẩm là kỹ thuật tốt nhất cho tới nay để xác định người nhiễm virus.
Trong trường hợp SARS-CoV-2, một số nghiên cứu cho thấy, phần lớn bệnh nhân chuyển đổi huyết thanh (có sự xuất hiện kháng thể trong máu) trong khoảng thời gian từ 7 đến 11 ngày sau khi nhiễm virus, mặc dù trong thực tế, một số bệnh nhân có thể có kháng thể sớm hơn.
Các kỹ thuật sinh học phân tử rất hữu ích trong việc phát hiện người nhiễm, chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu về SARS – CoV – 2, bệnh COVID – 19. Các kỹ thuật xét nghiệm đóng vai trò quyết định, bên cạnh sự hiểu biết về virus học, bệnh học, dịch tễ học.
Cần lưu ý: Sự xuất hiện ARN của virus không đồng nghĩa với việc virus đó còn sống và tồn tại trong cơ thể người, và cũng không đồng nghĩa với việc virus có thể lây truyền từ người này sang người khác. Kết quả của một xét nghiệm âm tính cũng không có nghĩa là người đó không bị nhiễm virus. Nếu một kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính, cũng cần phải xem xét khả năng dương tính giả. Việc phối hợp xét nghiệm với đánh giá các yếu tố trên lâm sàng cũng như tiền sử dịch tễ là rất quan trọng.
An AnBạn đang xem bài viết Xét nghiệm COVID-19 tiến hành ra sao? Vì sao người ta dùng tăm bông ngoáy vào mũi? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].