Mâu thuẫn quan điểm, vợ chồng đánh nhau giữa đường bỏ mặc con trẻ kêu khóc là hình ảnh gây tranh cãi trên cộng đồng mạng trong suốt 24 giờ qua. Sự việc đó làm nhiều người liên tưởng đến việc, một người phụ nữ ôm con nhỏ lao, liên tục giằng xé, đánh đập chồng và nhân tình giữa phố Xã Đàn.
Những đứa trẻ cứ gào khóc, cha mẹ chúng vẫn chửi bới và đánh đập nhau. Có khi, người lớn bỏ trẻ bơ vơ giữa đường phố để chúng chứng kiến sự xung đột của gia đình mình.
Ths. Bs Phạm Bích Hà - Phòng khám Cây Thông Xanh chia sẻ, tất cả đều nghĩ, đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi hoặc vẫn bế vác trên tay mẹ chưa hề nhận thức được điều xảy ra trước mắt. Thế nhưng, không ai trả lời được, tại sao chúng lại khóc?
Vì lo sợ, ai cũng hiểu, nhưng chúng lo sợ điều gì? Đó là khi, cha mẹ - hai thần tượng trong cuộc đời trẻ từ khi sinh ra, người bao bọc, bảo vệ chúng tấn công nhau. Nhận thức non nớt khiến trẻ không thể hiểu vì sao cha mẹ mình lại làm vậy, chúng chỉ nghĩ lỗi từ chúng chứ không phải từ người lớn.
Chưa kể, khi đứng ngoài đường, trẻ rất cần an toàn, chỉ biết bấu víu vào người thân nhưng người lớn lại không thể hiểu điều đó.
Bác sĩ nhận định, nó như một sự chấn động trong tinh thần của đứa trẻ thay vì nói, hành động đó quá “ác”.
Ths. Bs Phạm Bích Hà, phòng khám từng tiếp nhận tư vấn tâm lý cho một số trẻ nhỏ là “nạn nhân” của xung đột giữa cha mẹ. Những trẻ này thường chia làm hai trường hợp: có thể trẻ nhút nhát, tự ti, dễ thu mình hoặc trẻ hung hãn, bạo lực. Nhưng tựu chung, các trẻ đều bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ nhỏ học hành sa sút, trốn đi chơi, cãi cha mẹ, nói tục…
Theo bác sĩ, đó là biểu hiện của việc trẻ thiếu tự tin, không được yêu thương gây lệch lạc trong phát triển nhân cách và nhận thức.
Bác sĩ cho biết, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh chỉ có suy nghĩ chăm nom đầy đủ về vật chất cho con và quên đi mất sự bồi dưỡng về tinh thần cho trẻ. Nhưng họ không biết, cái trẻ cần nhất chính là sự yên tĩnh, an toàn trong gia đình mình.
Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng xác định giải quyết xung đột bằng bạo lực, tuy nhiên, họ phô diễn bạo lực đó ngay trước mặt con trẻ với suy nghĩ trẻ nhỏ chưa có nhiều nhận thức với cuộc sống. Chính lẽ đó, vô tình cha mẹ là sự tiềm ẩn gieo rắc nguy hiểm cuộc đời những đứa trẻ sau này.
ThS. BS Phạm Bích Hà phân tích, khi cha mẹ cãi nhau, trẻ không hiểu được nguyên nhân tại sao. Có khi, cha mẹ đánh nhau liền quay sang mắng trẻ khiến sinh tâm lý oan ức cho trẻ. Một phần do oan ức, một phần do bị áp lực lớn vì trẻ lo sợ không biết bao giờ cha mẹ lại cãi nhau.
Từ đó, trẻ thu mình, khi thiếu tự ti sẽ sinh nói dối, bỏ học hoặc chống đối lại. Và cha mẹ mắng do trẻ hư, lại sinh buồn bực và nó như một vòng luẩn quẩn bao lấy trẻ khiến trẻ không thể thoát ra nổi.
Theo bác sĩ, trẻ từ khoảng 6 tháng tuổi đã nhận thức sự khác biệt trong nét mặt, cách hành xử của người lớn. Vì thế bắt đầu ở giai đoạn này, nếu một hành xấu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hằn trong trí nhớ trẻ.
Để tránh tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ, theo bác sĩ, người lớn cần hạn chế tối đa cãi vã nhau trước mặt trẻ.
“Người lớn cần tôn trọng nhau, tôn trọng trẻ, trước khi hành động hãy nghĩ đến hậu quả có thể gây ra cho trẻ nhỏ, không sống ích kỷ riêng mình. Và luôn phải nhớ, điều duy nhất trẻ cần chính là sự an toàn trong ngôi nhà của chúng”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Vợ chồng bạo hành trước mặt con: Khi 2 'thần tượng' của trẻ đều sụp đổ tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].