Một trong những nội dung được quan tâm và chia sẻ nhiều nhất trên mạng chính là những đứa trẻ đáng yêu – từ những khoảnh khắc ngái ngủ, những câu hỏi ngây ngô hay lúc vui đùa với thú cưng.
Nhưng có những khoảnh khắc chúng ta chỉ nên giữ riêng cho mình, vì nó có thể đặt con bạn vào tình huống xấu hổ, thậm chí là nguy hiểm.
1. Lúc con tắm hay không mặc đồ
Không quá khó để có thể tìm trên mạng hình ảnh những ‘nhóc tì’ đang nghịch trong bồn tắm hay tung tăng chạy nhảy lúc mẹ chưa kịp mặc quần áo cho bé.
Hầu hết mọi người đều thấy chúng rất đáng yêu, nhưng bạn có biết rằng có những diễn đàn ‘đen’ trên mạng, nơi những kẻ ấu dâm thường chia sẻ các bức ảnh ấy?
Bạn chắc chắn sẽ không muốn một khoảnh khắc dễ thương của con trở thành ‘miếng mồi ngon’ cho kẻ xấu, vậy nên tốt nhất hãy giữ kín những bức ảnh tưởng chừng vô hại ấy.
2. Ảnh con bị thương hay bị ốm
Hãy tự hỏi bản thân: Bạn muốn tìm kiếm điều gì khi đăng ảnh con bị ốm lên mạng? Sự quan tâm, chia sẻ cho nỗi lo, nỗi vất vả của bạn hay cơn đau của con?
Tuy nhiên, việc chia sẻ hình ảnh con ốm thường không có tác dụng tinh thần nhiều như ta nghĩ.
Thông thường, sau khi đăng một điều gì lên mạng, ta sẽ mất ít nhất là vài tiếng để theo dõi phản hồi của mọi người. Nếu không phải là những phản hồi tích cực, nó sẽ càng kéo tâm trạng bạn xuống nhiều hơn.
Chưa kể đến việc trên mạng xã hội, có rất nhiều người thích bàn ra tán vào dù không ở trong hoàn cảnh của bạn.
Hãy tưởng tượng bạn sẽ stress đến mức nào nếu con đang ốm mà còn phải nghe những câu như 'Đáng nhẽ chị đừng cho cháu tắm khuya như thế', 'Ai lại để bé chơi mấy trò vận động như thế một mình bao giờ'...
3. Những hoạt động nguy hiểm
Có rất nhiều khoảnh khắc ngộ nghĩnh dễ thương của trẻ - lần đầu cầm đồ chơi và phùng mỏ ngậm lấy, hay khi bé đang nhún nhảy trên ghế cao hát líu lo…
Tất cả đều có vẻ không nguy hiểm và nằm trong tầm kiểm soát khi bạn quay phim hay chụp hình, nhưng trong mắt những người xem nó trên mạng thì không như vậy.
Điển hình như khoảnh khắc đứa con gái lần đầu chơi với ngựa được một bà mẹ ở Anh đăng lên với ý định vui vẻ, nhưng rồi lại nhận về hàng trăm ngàn bình luận ‘gạch đá’ cho rằng bà mẹ này thật bất cẩn, không biết trông con…
Không phải ai cũng sẵn sàng bao dung và nhìn mọi thứ ở góc độ của bạn, do đó trước khi đăng những hoạt động có vẻ nguy hiểm của con lên mạng, hãy cân nhắc đến nguy cơ bị lên án bởi cư dân mạng.
4. Hình ảnh bạn trách phạt con
Có nhiều phụ huynh thấy hình ảnh con nước mắt ngắn dài, mếu máo với những câu ‘mắng yêu’, bị phạt bằng cách cắt một mái tóc xiên xẹo… là những khoảnh khắc rất dễ thương.
Họ ghi lại các hình ảnh này và chia sẻ với các ông bố bà mẹ khác, mà không hề nhận ra chúng có thể gây ‘tác dụng ngược’ đối với việc dạy con.
Khi mải chú ý đến hình thức mà quên đi việc giảng giải được cho con rằng con sai ở đâu, đứa trẻ sẽ không ý thức được việc mình mắc lỗi và tiếp tục lặp lại những hành động đó.
Đôi khi việc bố mẹ vừa trách phạt vừa quay video lại khiến chúng không cảm nhận được sự nghiêm túc từ bố mẹ và coi việc mắc lỗi như một trò đùa.
5. Các đoạn video dàn dựng
Những đoạn đối đáp ‘như cụ non’ của các bé được đăng lên mạng ngày càng phổ biến.
Khó có thể không bật cười thích thú khi nghe một đứa trẻ 5 tuổi giảng giải về tình yêu, hay ‘lý sự’ với bố mẹ như người lớn.
Có rất nhiều đoạn video là những khoảnh khắc ngẫu nhiên có thật, tuy nhiên nếu để ý, có thể nhận ra không ít đoạn video được cắt ghép và chỉnh sửa, các câu nói cũng được bố mẹ ‘mớm’ để bé học thuộc và tạo tình huống gây cười.
Trẻ con chưa có ý thức về những vấn đề chúng nói, nhưng chúng có thể cảm nhận được sự cổ vũ của bố mẹ hay sự chú ý của những người xung quanh.
Việc tập cho con ‘diễn sâu’ từ nhỏ có thể khiến trẻ tự uốn nắn theo hình ảnh được người lớn yêu thích mà đánh mất đi các cử chỉ, phong cách tự nhiên vốn có.
6. Thông tin cá nhân
Có nhiều ảnh chụp hay đoạn video có chứa những thông tin cá nhân của các bé: Từ tên, biệt danh ở nhà, trường lớp, giờ tan học cho đến những sở thích của bé. Những kẻ xấu có thể theo dõi trang mạng xã hội của bạn và lợi dụng những thông tin ấy.
Hãy tưởng tượng khi kẻ xấu tiếp cận con bạn, chúng biết rõ tên ở nhà của bé và món đồ chơi, bộ phim mà bé yêu thích nhất, điều đó khiến bé cảm thấy an toàn và tin tưởng chúng hơn.
Hãy chia sẻ những điều riêng tư về bé một cách vừa phải, vì bạn sẽ không thể biết hết rằng có những ai sẽ xem chúng.
7. Ảnh chụp nhóm
Bạn có thể muốn lưu lại ảnh con trong một hoạt động tập thể nào đó. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chia sẻ ảnh của cả các bé khác lên mạng, hãy chắc chắn rằng phụ huynh của các bé đều đồng ý.
Mai HoaBạn đang xem bài viết Vì sự an toàn của con, cha mẹ đừng bao giờ đăng 7 thứ này lên Facebook tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].