Sự nguy hiểm của cục máu đông hình thành trong tim
Theo chuyên trang Phòng chống Đột quỵ của Bộ Y Tế, cục máu đông hình thành từ tim nhưng khi chúng vỡ ra sẽ di chuyển khắp theo các động mạch.
Nếu cục máu đông ở tim phải, nó có thể di chuyển theo động mạch phổi và gây thuyên tắc phổi (một bệnh lý rất nặng nề có thể đe dọa tính mạng).
Nếu cục máu đông ở tim bên trái, nó có thể di chuyển theo tuần hoàn hệ thống và gây nhiều hệ lụy khác nhau.
Và với kích thước lớn khi di chuyển lên não có thể làm tắc 1 hoặc nhiều nhánh động mạch não, từ đó gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Bệnh nhân đột quỵ do tim mạch thường có tiên lượng xấu, gây tàn phế nặng hơn so với các loại đột quỵ khác.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Luật, Khoa nội tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đột quỵ được phân thành hai loại chính: thiếu máu cục bộ não (do huyết khối, thuyên tắc hoặc giảm tưới máu toàn thân) và xuất huyết não.
Đột quỵ do cục máu đông xuất phát từ tim là đột quỵ thiếu máu cục bộ não, do cục máu đông từ tim di chuyển lên động mạch não làm tắc một hoặc nhiều nhánh động mạch não.
Các bệnh lý dễ tạo cục máu đông trong tim
Có khá nhiều bệnh lý khiến cục máu đông trong tim dễ hình thành, bao gồm:
- Rung nhĩ (là nguyên nhân thường gặp nhất)
- Bệnh lý van tim (ví dụ hẹp van hai lá)
- Van nhân tạo (cơ học hoặc sinh học)
- Đã từng bị nhồi máu cơ tim
- Suy tim với sức co bóp cơ tim giảm
- Bệnh cơ tim dãn nỡ
- Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành
- Các bệnh lý hệ thống (ví dụ lupus)
- Ung thư
- Có luồng thông bẩm sinh trong tim ( ví dụ tồn tại lỗ bầu dục giữa 2 tâm nhĩ)
- Phình vách thất trái
Cơ chế hình thành cục máu đông
Không có cơ chế duy nhất nào khiến hình thành cục máu đông trong tim, nó tùy vào bệnh tim cụ thể.
Ví dụ các bất thường về buồng tim trong các bệnh lý làm dãn buồng tim như: rung nhĩ, hẹp van hai lá chủ yếu gây ra bởi sự ứ trệ máu trong buồng tim nhất là trong nhĩ trái (có thể kết hợp với rối loạn chức năng lớp nội mạc mạch máu, tình trạng tăng đông, sự phối hợp của bệnh lý đi kèm).
Làm cách nào để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông?
Thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc kháng đông được xem là điều trị chính trong việc phòng ngừa đột quỵ do nguyên nhân tim mạch.
Tùy tình trạng bệnh lý cụ thể của mỗi bệnh nhân (như đã đề cập ở phần trên về các bệnh lý dễ tạo cục máu đông trong tim) mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ huyết khối bằng cách:
- Tăng cường vận động
- Trở lại vận động càng sớm càng tốt sau phẫu thuật
- Thường xuyên vận động đôi chân trong những chuyến đi dài (chuyến bay đường dài, ngồi xe đường dài)
- Bỏ hút thuốc
- Giảm cân
- Kiểm soát đường huyết, ổn định huyết áp và điều trị rối loạn mỡ máu.
BS. CKII. NGUYỄN TRỌNG LUẬT
KHOA NỘI TIM MẠCH – BV CHỢ RẪY
Tài liệu tham khảo:
- Doufekias E, Segal AZ, Kizer JR. Cardiogenic and aortogenic brain embolism. J Am Coll Cardiol 2008; 51:1049.
- Michael J Schneck et al. Cardioembolic Stroke. Medscape, Jan 20, 2015
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/thrombosis
- Sandhya Pruthi, et al. Arteriosclerosis/atherosclerosis. Mayo Clinic.
- Facts, Causes and Risks of Stroke. American Heart Association. https://www.heart.org/en/about-heart-disease-in-women/facts/facts-causes-risks-and-prevention-of-stroke.
- Các yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh tim mạch/ Hội Tim Mạch Học Quốc Gia Việt Nam: http://vnha.org.vn/tapchi/YeuToNguyCoTimMach.indd.pdf
Bạn đang xem bài viết Vì sao đột quỵ não nhưng lại ngăn ngừa hình thành cục máu đông tại tim? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].