Làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc nổi lên từ giữa thập kỷ 1990, bùng nổ mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 21 và đến nay vẫn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ khắp châu Á, thậm chí cả ở Mỹ và châu Âu.
Ngành văn hóa là quyền lực mềm, có sức mạnh ghê gớm, không chỉ quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước, con người Hàn Quốc mà còn thúc đẩy thương mại và du lịch, mỗi năm tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm, hàng tỷ USD cho đất nước.
![han-quoc-01](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/11/han-quoc-01-1404.jpg)
Sau hơn 2 thập kỷ tập trung phát triển, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm, đóng góp doanh thu 120 tỷ USD/năm cho nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới.
Thành tựu này không phải ngẫu nhiên có được mà nhờ chiến lược phát triển văn hóa dài hạn được các nhà lãnh đạo triển khai qua nhiều thời kỳ.
Nhà nước hỗ trợ nhưng không can thiệp
Dấu mốc đáng kể đến về chính sách văn hóa dài hạn đầu tiên của Hàn Quốc là Kế hoạch tổng thể phát triển văn hóa lần thứ nhất, được đề xướng bởi chính phủ Tổng thống Park Chung-hee vào năm 1973, dựa trên nền tảng Đạo luật khuyến khích văn hóa và nghệ thuật, ban hành năm 1972.
Qua nhiều giai đoạn phát triển, mặc dù các mục tiêu của từng thời kỳ có những thay đổi nhất định tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của đất nước, song định hướng xuyên suốt trong chính sách văn hóa Hàn Quốc là: Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.
Các chính sách như “Hàn Quốc sáng tạo” (Creative Korea) (2004), “C- Korea 2010” và Kế hoạch phát triển nghệ thuật trung hạn và dài hạn “Sức mạnh của nghệ thuật” (2004) đều thể hiện một tầm nhìn, trong đó văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí là động lực thúc đẩy kinh tế và sức mạnh quốc gia.
Để khuyến khích công nghiệp văn hóa phát triển, lĩnh vực này luôn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Hàn Quốc. Trong giai đoạn từ năm 1998 - 2005, ngân sách cho văn hóa - nghệ thuật tăng đáng kể, từ 0,6% lên đến 1,05%.
Chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã nhận được khoảng 172,3 triệu USD. Đến năm 2023, ngân sách dành cho ngành này lên tới 1,217 tỷ USD.
![han-quoc-02](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/11/han-quoc-02-1414.jpg)
Cơ sở vật chất và công nghệ để phục vụ quảng bá văn hóa giải trí được đầu tư mạnh tay kể từ thập niên 1990, với rất nhiều sân khấu biểu diễn được xây dựng.
Công nghệ hologram cũng được nghiên cứu và sử dụng phổ biến, tất cả những nơi công cộng ở Seoul đều có wifi miễn phí, khu Changdong ở Seoul được phát triển thành điểm đến văn hóa lớn cho hoạt động du lịch K-pop.
Đặc biệt, Hàn Quốc đã có nhiều động thái quyết liệt để tạo môi trường thuận lợi, không gian rộng lớn cho sự sáng tạo. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc năm 1996 cấm lệnh kiểm duyệt và mở ra một loạt các chủ đề độc đáo để nghệ sĩ tự do khám phá. Động thái này mang đến những cơ hội cho thế hệ trẻ để thể hiện các ý tưởng mới và táo bạo hơn thông qua điện ảnh và âm nhạc.
Kể từ khi Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức đầu năm 2013, ngành văn hóa giải trí Hàn Quốc nhận được sự đầu tư bạo tay hơn, một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD được thiết lập để phát triển và nuôi dưỡng ngành văn hóa giải trí Hàn Quốc.
Hợp tác quốc tế về văn hóa cũng là một nội dung được Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên thúc đẩy từ hơn 20 năm qua. Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Công nghiệp và Năng lượng cũng như Bộ Văn hóa và Du lịch đều “nhập cuộc” để đưa văn hóa xứ Kim chi lan tỏa toàn cầu.
Sức hút từ thần tượng
Sự phát triển và bùng nổ mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc không thể không kể đến tài năng, sức hút của các ngôi sao, thần tượng trong làng giải trí nước này. Có thể kể đến các nhóm nhạc BigBang, BlackPink, BTS, SNSD, Super Junior, EXO,...
![han-quoc-04](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/11/han-quoc-04-1420.jpg)
Họ chính là những người mang hình ảnh Hàn Quốc đến gần hơn với các khán giả quốc tế. Tuy nhiên, để có thể tỏa sáng, những ngôi sao, thần tượng đều phải trải qua quá trình tuyển chọn, luyện tập rất khắt khe và khắc nghiệt trong thời gian dài “dưới trướng” các công ty giải trí.
Các công ty giải trí dành nhiều thời gian và tiền bạc để tạo ra những ngôi sao hoàn hảo, liên tục tìm kiếm, tuyển chọn các tài năng trẻ tiềm năng làm thực tập sinh, đào tạo và xây dựng với lộ trình bài bản để biến họ thành “ngôi sao”, xây dựng thần tượng. Các thực tập sinh trải qua quá trình luyện tập nhiều năm, từ ca hát, nhảy múa, ngôn ngữ...
Họ cần có một ngoại hình đẹp, chất giọng tốt, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt, cần có khả năng lay động, an ủi trái tim của mọi người.
Tùy theo tài năng, phẩm chất để thiết lập thành nhóm. Khi đã đạt được sự kết hợp hoàn hảo giữa các thành viên, họ tiếp tục chọn theo chủ đề, phong cách, mỗi nhóm cần tạo cho mình một hình ảnh cốt lõi.
Những con số ấn tượng
Chiến lược phát triển và đầu tư bài bản đã mang lại “quả ngọt” cho nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, trong đó xuất khẩu văn hóa đã thành trào lưu mang tên Hallyu - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc hay "Hàn lưu".
Từ những bộ phim truyền hình phát hành tại các nước châu Á đầu những năm 2000 như Trái tim mùa thu (2000), Cô nàng ngổ ngáo (2001), Bản tình ca mùa đông (2002)… Đến nay, văn hóa Hàn Quốc đã “phủ sóng” toàn thế giới với những thành tựu nổi bật về âm nhạc, thời trang, điện ảnh và ẩm thực.
![han-quoc-03](https://i.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/files/content/2025/02/11/han-quoc-03-1416.jpg)
Chẳng hạn, BTS - nhóm nhạc K-pop đình đám - gồm 7 thành viên, liên tục tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc quốc tế ngay sau khi ra mắt vào năm 2013.
Đến năm 2022, nhóm này đã lập 3 kỷ lục thế giới mới về lượng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội Instagram, TikTok và Twitter. Theo Viện nghiên cứu Hyundai, ước tính, BTS mang đến hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm.
Bên cạnh BTS, BlackPink cũng là nhóm nhạc đạt được thành công lớn. Họ trở thành nhóm nhạc thần tượng đầu tiên biểu diễn tại Coachella năm 2019, là nhóm nhạc Kpop đầu tiên đạt hơn 1 tỷ lượt xem trên YouTube với video âm nhạc Ddu-Du Ddu-Du.
Blackpink cũng được khán giả khen ngợi khi góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc thông qua các sản phẩm âm nhạc.
Ngay cả ngôn ngữ, thứ từng được coi là rào cản đối với việc tiếp cận văn hóa Hàn Quốc, giờ đây được fan quốc tế coi là cơ hội học tập thú vị. Nhiều người hâm mộ Kpop bắt đầu quan tâm đến việc học tiếng Hàn, khám phá phần còn lại của văn hóa đại chúng và xã hội Hàn Quốc.
Về khía cạnh kinh tế, trong số doanh thu khoảng 120 tỷ USD/năm của ngành giải trí, xuất khẩu văn hóa chiếm tới hơn 12 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng sản xuất dẫn đầu như thiết bị gia dụng (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và màn hình hiển thị (3,6 tỷ USD).
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Vì sao công nghiệp văn hóa Hàn Quốc phát triển bùng nổ? tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
![từ khóa](https://sf.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/v2.2.85/templates/themes/images/tag.png)