Nguyên nhân sâu răng là gì?
Một nhóm các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bộ xương người 15000 năm tuổi và phát hiện một điều khá thú vị là răng của những người cổ đại này có nhiều lỗ hổng.
Những lỗ sâu răng này có cùng nguyên nhân sâu răng như ngày nay đó là do những vi sinh vật bé nhỏ sống trong miệng chúng ta.
Những vi sinh vật này tồn tại cùng với chúng ta từ khi sinh ra. Khi răng chúng ta mọc, tuỳ vào loại thực phẩm ta ăn hằng ngày mà một số loại vi khuẩn nhất định sẽ chiếm đa số và nguyên nhân gây ra sâu răng cũng bắt nguồn từ đây.
Chế độ ăn nhiều đường tạo ra một sự gia tăng chủng vi khuẩn Streptococci Mutans trong miệng. Những vi sinh vật này ưa chuộng đường và xem đường là thức ăn.
Khi vi khuẩn tiêu thụ đường, chúng tạo ra sản phẩm phụ là Axit Lactic. Vi khuẩn Streptococci Mutans có sức đề kháng đối với Axit Lactic nhưng răng chúng ta thì không.
Mỗi chiếc răng con người được bao phủ bởi một lớp men bảo vệ chắc chắn nhưng men răng không thể chống lại sự tấn công của axit. Điều này làm thoái hoá lớp bảo vệ, mất dần lượng canxi.
Dần dần, axit ăn mòn tạo ra con đường giúp vi khuẩn tấn công vào lớp thứ hai gọi là ngà răng. Bởi vì mạch máu và dây thần kinh nằm sâu trong răng nên ở giai đoạn này, sâu răng không gây đau đớn.
Nhưng nếu sự cứ để tình trạng này tiếp diễn và lan qua lớp ngà răng, vi khuẩn sẽ tiếp tục tiến sâu vào trong răng, chạm đến các dây thần kinh và gây ra đau đớn. Nếu không được chữa trị, răng sẽ bị hư hại và phải nhổ bỏ.
Chế độ ăn và sâu răng
Lượng đường trong thức ăn càng cao, răng chúng ta càng dễ gặp nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên những người tiền sử không tiêu thụ nhiều thức ăn có đường vậy điều gì gây ra sâu răng cho họ?
Tuy với chế độ ăn nhiều thịt chứa rất ít đường nhưng kèm theo đó, tổ tiên chúng ta còn ăn rễ cây, hạt, và ngũ cốc, những thứ này chứa nhiều Cacbon Hydrat và khi gặp các enzyme trong nước bọt, Cacbon Hydrate được chuyển hóa thành các loại đường đơn giản nên người cổ đại vẫn có thể bị sâu răng.
Vậy người cổ đại làm gì khi bị sâu răng? Các hài cốt cổ đại 14000 năm trước cho thấy, con người đã dùng vật cứng để loại đi các phần răng hỏng.
Người cổ đại còn tạo ra những mũi khoan thô sơ để làm phẳng những lỗ gồ ghề còn sót lại và dùng sáp ong để bịt lỗ sâu, khá giống những gì ta làm ngày nay.
Ngày nay, chúng ta cũng có nhiều nguy cơ sâu răng hơn bởi các thức ăn chứa nhiều đường. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, tỉ lệ sâu răng tăng cao bởi vì chúng ta đã phát triển nhiều công nghệ tiên tiến làm cho đường trở nên rẻ và thông dụng hơn.
Hiện nay, đại đa số loài người đều bị sâu răng. Trong đó, một số người dễ bị sâu răng hơn phần còn lại vì gen di truyền có nhiều điểm yếu như men răng mềm hơn, nhưng nguyên nhân chủ yếu của sâu răng vẫn là do ăn quá nhiều đường.
Thật may, chúng ta có các phương pháp và công cụ phức tạp để phòng ngừa và điều trị sâu răng hơn so với thời cổ đại.
Chúng ta chế tạo ra kem đánh răng và nước súc miệng chứa một lượng nhỏ flouride. Nó giúp răng khoẻ mạnh và đẩy mạnh sự phát triển của men giúp xây dựng cơ chế chống lại axit.
Ngoài ra, khi gặp vấn đề về sâu răng, ta sử dụng vật liệu trám răng để lấp đầy những nơi bị ảnh hưởng và ngăn chúng trở nên tệ hơn.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để chống sâu răng là giảm lượng đường tiêu thụ và thực hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn và nguồn thức ăn của chúng.
Việc này bao gồm thường xuyên đánh răng, dùng chỉ nha khoa và tránh những thực phẩm nhiều đường, nhiều tinh bột dễ dính vào răng. Dần dần, số lượng vi khuẩn thích ngọt trong miệng bạn sẽ giảm xuống.
Không như người tiền sử của nhiều năm về trước, ngày nay chúng ta có kiến thức cần thiết để ngăn chặn sâu răng, việc cần làm là áp dụng nó mà thôi.
Theo Tinte/TED-Ed
Bạn đang xem bài viết Vì sao chúng ta lại bị sâu răng? tại chuyên mục Sức khỏe răng miệng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].