Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Mẹ ơi, con bị sâu răng

Hàm răng sữa trắng như ngọc của bé Bòn Bon, 2 tuổi, bỗng một hôm xuất hiện mấy vết đen trên bề mặt răng. Bé Bòn Bon có mách với mẹ nhưng vì bận bịu với công việc nên mẹ bé quên mất mấy vết đen sâu răng đó

Một buổi tối, mẹ thấy bé Bòn Bon khóc quá vì đau răng, vội cho bé đi khám thì răng bé đã bị sâu nghiêm trọng rồi, không còn cách nào khác, nha sĩ đành phải nhổ đi hai răng cửa của bé…

Không riêng trường hợp của bé Bòn Bon mà hiện nay, tình trạng sâu răng sớm ở trẻ em ngày càng hiều hơn. Mới đây, một cuộc "Điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc" của Viện Răng Hàm Mặt TPHCM thực hiện đã đưa ra những kết quả khiến các bà mẹ không thể xem nhẹ căn bệnh này.

Cụ thể, tỷ lệ trẻ bị sâu răng trong nhóm tuổi 6-8 là 25.4%, tỷ lệ này càng tăng lên theo từng nhóm tuổi như 54.6% trẻ ở độ tuổi 9-11, 64.1% của nhóm 12-14 tuổi và với 15-17 tuổi có 68.6% ca sâu răng.

Mẹ ơi, con bị sâu răng 0

Răng sữa có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Nó không chỉ giúp trẻ nhai, nghiền thức ăn mà còn giữ khoảng trên cung hàm giúp cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng vị trí.

Khi thực hiện cử động nhai, răng sữa sẽ kích thích sự tăng trưởng của xương hàm, nhất là phát triển chiều cao cung răng.

Mất sớm các răng sữa là một yếu tố gây sai lệch sự cắn khớp của răng vĩnh viễn và ảnh hưởng tới khớp thái dương hàm sau này.

Trẻ bị mất răng sữa sớm còn bị ảnh hưởng lớn tới sự phát âm trong quá trình tập nói sau này.

Vì sao răng con bị sâu?

Ở trẻ nhỏ, răng sữa mọc ra vào khoảng tháng thứ 6 sau khi sinh và đến 2-3 tuổi thì 20 chiếc răng sữa đã mọc đủ. Răng sữa có màu trắng, hơi ngả xanh, còn răng vĩnh viễn có màu ngà, bóng sáng hơn rõ rệt.

Do mọc sớm nên răng sữa rất dễ bị bào mòn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng. Đầu tiên là do lớp men răng và lớp ngà răng của răng sữa tương đối mỏng, độ canxi hóa thấp nên dễ bị sâu răng và khi đã bị sâu răng sữa thì mức độ bệnh tiến triển rất nhanh, có khi chỉ cần mới bắt đầu đau răng thì răng đã sâu lan tới tận tủy răng rồi.

Những loại thức ăn có hàm lượng đường cao, tính bám dính mạnh và dễ lên men sinh acid đó sẽ làm răng trẻ sâu rất nhanh. Sự thiếu hiểu biết, chủ quan và thiếu quan tâm của người lớn tới răng sữa của trẻ vì nghĩ răng này sẽ được thay thế khi lớn lên nên đã xem nhẹ bệnh sâu răng sữa, đến khi thấy các tổ chức chung quanh chân răng bị sưng đỏ mới đưa con đi khám bệnh...

Ngoài ra còn do các nguyên nhân khách quan khác, như bị sâu răng do bú bình, do ăn uống thiếu chất...

Mẹ ơi, con bị sâu răng 1

Sâu răng sữa sớm là một trong những nguyên nhân khiến hàm răng vĩnh viễn sau này bị lệch lạc

Sâu răng trên răng sữa thường khởi đầu ở các hố và rãnh. Các vết sâu nhỏ khó có thể phát hiện bằng mắt thường, nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện khi chụp X-quang răng. Những lỗ thủng ở mặt nhai mà cha mẹ quan sát được là biểu hiện của những lỗ sâu lớn, khi những vết sâu này biểu hiện ở các bề mặt ngoài và mặt trong của răng có nghĩa là tình trạng sâu răng của bé đã rất nghiêm trọng.

Tốc độ phát triển sâu răng phụ thuộc nhiều yếu tố như: Độ cứng của tổ chức răng, số lượng chất tựa hữu cơ (matrixprotein), mảng bám vi khuẩn, chất lượng và tần suất ăn uống...

Để bé không "sợ" nha sĩ…

Mặc dù răng đau lắm nhưng mẹ bé Bòn Bon phải thuyết phục mãi bé mới chịu đi gặp nha sĩ. Đến phòng nha bé Bòn Bon nhất định không chịu lên ghế để bác sĩ khám, dù mọi người có "dụ" bằng cách nào đi nữa.

Vậy làm thế nào để bé không sợ khi phải đi làm răng? Làm thế nào để bé không sợ nha sĩ?

Đây có lẽ là sự băn khoăn, thậm chí là lo lắng của hầu hết các bậc cha mẹ khi những thiên thần nhỏ của mình đã đến tuổi mọc răng - thay răng. Quá trình này diễn ra trong một thời gian rất dài và cố nhiên các bé sẽ gặp không ít những vấn đề về sức khỏe răng miệng, đơn giản là có những vết đen trên răng, rồi răng bị sâu, bị xiết, bị té gãy răng, rồi răng lung lay, hoặc thậm chí là răng vĩnh viễn đã mọc lên rồi và răng sữa vẫn chưa chịu rụng đi.

Trong tất cả những trường hợp đó, lẽ dĩ nhiên là các bé phải đi gặp nha sĩ rồi. Nhưng hầu hết - nếu như không muốn nói là tất cả các bé đều rất sợ hãi điều này!

Và nỗi sợ của bé - trong trường hợp này - là hoàn toàn chính đáng, là tâm lý hoàn toàn tự nhiên của các bé. Người lớn khi phải đi làm răng - mặc dù đã ý thức được là không đau - mà cũng sợ 'toát mồ hôi' - huống hồ các bé!

Vậy phải làm sao để bé yêu thích việc đến phòng nha? hoặc ít ra là vững tâm hơn khi đến gặp các cô nha sỹ?

Đó là cả một nghệ thuật trấn an tâm lý của các bác sỹ, các cô phụ tá và một môi trường nhẹ nhàng thân thiện. Làm được điều đó, bác sỹ và các cô y tá thường tiếp xúc gần gũi, thân thiện, chơi đùa ngay từ khi bước chân vào phòng khám.

Mẹ ơi, con bị sâu răng 2

Các bé sẽ có ấn tượng tốt ngay từ ban đầu, không còn hoặc tâm lý sợ hãi sẽ ít đi. Đến lúc đó, các bé mới được dẫn từ từ vào ghế điều trị để bắt đầu điều trị. Khi các cháu đã tự nguyện, việc điều trị sẽ trở nên rất dễ dàng.

Đón còn là đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn lại rất nhiều của phụ huynh khi phối hợp với các bác sỹ trong quá trình làm giảm đi nỗi sợ của các bé.

Đối với những trường hợp không phải là cấp cứu, tức là có thể hoãn điều trị một thời gian, thì chúng tôi thường khuyên phụ huynh nên dẫn các cháu qua lại phòng khám nha khoa một vài lần. Những lần đầu tiên qua này không phải với mục đích điều trị mà chỉ với mục đích cho bé làm quen với phòng khám, làm quen với bác sỹ và các cô y tá.

Có thể sẽ phải mất 2 đến 3 lần dẫn các bé qua chơi rồi về mà không điều trị gì cả.Đến khi bé thực sự quen với phòng khám, quen với bác sỹ rồi mới dẫn bé lên ghế điều trị. Và bác sỹ chỉ nên điều trị khi các bé đã thực sự tự nguyện hợp tác, vui vẻ điều trị.

Mẹ ơi, con bị sâu răng 3

Tập cho bé đánh răng để giữ gìn hàm răng sữa khỏe mạnh

Một điều rất quan trọng nữa là, trước khi có ý định dẫn các bé đi làm răng, cha mẹ hãy kể cho con nghe những câu chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ về việc làm răng, ví như chuyện gấu con ăn kẹo bị đau răng như thế nào, thỏ con đi làm răng thích thú ra sao.

Hãy hình dung răng cũng có đời sống như con người, như vạn vật vậy. Và cũng như con, răng cũng cần phải được chăm sóc, chiều chuộng như thế nào

Những câu chuyện này sẽ tạo cho các bé trí tưởng tượng về việc đi làm răng thích thú hơn. Giống như một lần đi khám phá thế giới mới. Và chỉ nên dẫn các bé đi nếu như thấy được sự thoải mái ở bé. Không nên cưỡng bức bằng vũ lực, nạt nộ, bắt bé phải đi!

Và tất nhiên, để bé yên tâm hơn, thoải mái hơn và đỡ sợ hơn phải đòi hỏi một phòng khám với không gian nhẹ nhàng; bác sỹ thân thiện, điều trị HOÀN TOÀN không đau; thậm chí là phải hết sự nhẹ nhàng, khéo léo trong việc lấy dụng cụ (ống chích, kềm nhổ răng,..) phải kín đáo, không được tạo ra tiếng động mạnh làm các bé sợ.

Bs Trần Mừng

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính