Được về quê rồi lại phải quay lại bệnh viện
Chiều 24/4, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, có một bệnh nhân sau khi công bố khỏi bệnh 15 ngày, trong đêm 13/4 đã phải trở lại bệnh viện vì mẫu xét nghiệm của bệnh nhân này cho kết quả tái dương tính COVID-19 trở lại.
Đó là bệnh nhân 137 (quê ở Yên Thành, Nghệ An). Bệnh nhân trở về từ Đức, phát hiện nhiễm COVID-19 ngày 25/3 và nhập viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân 137 đã có 3 lần xét nghiệm âm tính vào các ngày 2/4, 3/4 và 5/4. Ngày 7/4, bệnh nhân nằm trong số 11 bệnh nhân của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh.
Để đảm bảo an toàn, bệnh viện vẫn giữ bệnh nhân lại theo dõi thêm 14 ngày. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm thêm 3 lần, tất cả đều âm tính nên ngày 22/4, bệnh nhân được xe của bệnh viện đưa về quê. Trước khi về, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm thêm lần 7.
Tuy nhiên, mẫu lần 7 xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lại cho kết quả dương tính nên ngay đêm 23/4, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã điều xe đón bệnh nhân trở lại bệnh viện. Hiện sức khoẻ bệnh nhân ổn định.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã phối hợp y tế địa phương phun khử trùng nhà bệnh nhân lưu trú, đồng thời điều tra dịch tễ, giám sát y tế người tiếp xúc gần.
Như vậy đây là trường hợp thứ 3 tại Việt Nam có hiện tượng dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh. Trước đó, Đà Nẵng từng ghi nhận bệnh nhân 22, Hà Nội từng ghi nhận bệnh nhân 188.
3 khả năng khiến bệnh nhân dương tính trở lại
Giải thích về tình trạng này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng có 3 khả năng.
Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi, nên khi cơ thể yếu sẽ bùng lại.
Thứ 2, có thể bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt - xác virus. Khi làm xét nghiệm khuếch đại gen sẽ xác định được gen của virus nên kết quả dương tính. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ 3, bệnh nhân có thể là người lành mang trùng. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
“Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương, giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh”, Thứ trưởng Long cho biết.
Ngoài ra, thời gian tới ngành y tế sẽ tiến hành lấy mẫu tất cả những trường hợp đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa, để xem kháng thể đó khả năng tiêu diệt được virus hay không.
“Có trường hợp chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy virus sẽ tồn tại ở một thời gian rất dài trong cơ thể”, Thứ trưởng Long nói thêm.
Hiện Bộ Y tế giao cho 2 labo là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. HCM thực hiện nuôi cấy lại virus của những trường hợp đã khỏi bệnh nhưng vẫn dương tính để có câu trả lời chính xác.
V.LinhBạn đang xem bài viết Vì sao bệnh nhân 137 bị dương tính trở lại với COVID-19 sau 15 ngày khỏi bệnh? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].