Các nhà nghiên cứu Vương quốc Anh nhận thấy điều này một phần là do những người mắc chứng social jetlag (lệch múi giờ do tác động xã hội) có chế độ ăn uống kém hơn.
Giấc ngủ bị gián đoạn nghiêm trọng, nhất là với những người làm việc theo ca, có tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Duy trì giờ đi ngủ và giờ thức dậy đều đặn và ăn một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu trên gần 1.000 người trưởng thành của các nhà khoa học tại Đại học King's College London đã phát hiện ra rằng dù chỉ chênh lệch 90 phút về giấc ngủ ban đêm trong một tuần bình thường cũng có thể ảnh hưởng đến các loại vi khuẩn trong đường ruột.
Sự đa dạng hệ vi khuẩn đường ruột là rất quan trọng. Một số vi khuẩn tốt hơn những loại khác, nhưng các loại vi khuẩn vẫn cần có tỷ lệ kết hợp phù hợp để ngăn ngừa một số bệnh.
Kate Bermingham, tác giả nghiên cứu và nhà khoa học dinh dưỡng cấp cao tại công ty khoa học sức khỏe Zoe cho biết: “Social jetlag có thể làm tăng các loài vi sinh vật không tốt cho sức khỏe của bạn".
Hội chứng social jetlag (lệch múi giờ xã hội) là tình trạng đi ngủ và thức dậy vào những thời điểm rất khác nhau giữa các ngày trong tuần và cuối tuần.
Nghiên cứu cho biết hội chứng này ảnh hưởng đến hơn 40% dân số Vương quốc Anh, phổ biến nhất ở thanh thiếu niên và thanh niên, sau đó giảm dần khi tuổi tác tăng lên.
Những người tham gia nghiên cứu này trên Tạp chí Dinh dưỡng Châu Âu, đã được phân tích giấc ngủ, máu, phân và ghi lại mọi thứ họ đã ăn trong một bảng câu hỏi về thực phẩm.
Số liệu cho thấy, những người bị social jetlag (chiếm 16%) có nhiều khả năng ăn chế độ ăn nhiều khoai tây chiên và đồ uống có đường, ít trái cây và các loại hạt hơn.
Một nghiên cứu trước đó từng cho thấy những người bị social jetlag ăn ít chất xơ hơn những người có thời gian ngủ đều đặn. Các nghiên cứu khác cũng phát hiện tình trạng lệch múi giờ xã hội có thể dẫn đến tăng cân, bệnh tật và mệt mỏi về tinh thần.
Tiến sĩ Bermingham cho biết: "Giấc ngủ kém chất lượng ảnh hưởng đến các lựa chọn, khiến mọi người thèm ăn các loại thực phẩm có đường hoặc nhiều carb hơn".
Chế độ ăn uống không lành mạnh này có thể ảnh hưởng đến mật độ vi khuẩn trong ruột.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 3/6 loại vi sinh vật có nhiều trong đường ruột của nhóm social jetlag có liên quan đến chế độ ăn uống kém, béo phì, mức độ viêm và nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, mối quan hệ giữa giấc ngủ, chế độ ăn uống và vi khuẩn đường ruột rất phức tạp và vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu.
Trong thời gian chờ đợi các nghiên cứu sâu hơn, lời khuyên của họ là hãy giữ duy trì giờ ngủ nhất quán trong cả tuần.
"Duy trì giờ đi ngủ và thức dậy đều đặn mỗi ngày là một hành vi lối sống dễ điều chỉnh mà tất cả chúng ta đều có thể làm, điều này có thể tác động tích cực đến sức khỏe của bạn thông qua hệ vi sinh vật đường ruột," Tiến sĩ Sarah Berry, từ Đại học King's London cho biết.
(Theo BBC)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Vì sao bạn nên đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].