Kỹ thuật ngủ kiểu quân sự được những người lính trong quân đội Mỹ sử dụng để nhanh chóng tìm giấc ngủ trong những tình huống khó khăn.
Nguyên tắc của kỹ thuật này xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách "Relax and Win: Championship Performance" của tác giả Lloyd Bud Winter, xuất bản năm 1981, và đã cho thấy tỷ lệ thành công lên đến 96% sau chỉ 6 tuần luyện tập.
Theo tiến sĩ Jess Andrade, một bác sĩ chuyên nhi khoa và chuyên gia nắn xương ở Boston, phương pháp này kết hợp giữa giãn cơ, hít thở và hình dung.
Đầu tiên, bạn cần thư giãn toàn bộ khuôn mặt từ trán xuống má, miệng, hàm, lưỡi và mắt. Sau đó, thả lỏng vai và tay để chúng tự nhiên theo hướng trọng lực. Tiếp theo, thả lỏng từ cổ, cánh tay và di chuyển dần xuống bắp tay, cẳng tay và bàn tay bên phải, sau đó chuyển sang phía bên trái. Trong khi thực hiện, bạn tiếp tục thở sâu, chậm và thả lỏng ngực.
Sau đó, bạn cần thư giãn đôi chân, bắt đầu với chân phải, để bản thân "chìm xuống" giường hoặc ghế, sau đó lặp lại với chân trái.
Trong quá trình này, bạn cũng cần giải tỏa tâm trí bằng cách tập trung nghĩ đến một hình ảnh nhẹ nhàng, như chiếc xuồng trôi trên mặt hồ tĩnh lặng và yên bình.
Ban đầu, việc chìm vào giấc ngủ có thể mất từ 2 đến 5 phút, nhưng sau một thời gian luyện tập, bạn có thể đạt được kết quả chỉ trong 10 giây.
Phương pháp này đã được các chuyên gia giấc ngủ, như tiến sĩ Lindsay Browning, tác giả cuốn sách "Navigating Sleeplessness," khẳng định là rất hiệu quả.
Bản chất của phương pháp này giúp tập trung tâm trí vào hiện tại thay vì những suy nghĩ lo lắng, từ đó giúp thư giãn cơ thể và đạt được giấc ngủ nhanh chóng.
Ngoài ra, còn có những kỹ thuật thư giãn khác như "thở chậm, sâu" hoặc đếm ngược từ 1.000 cũng giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
(Theo Daily Mail)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Cách chìm vào giấc ngủ trong 10 giây của quân đội Mỹ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].