UBND TP.Hà Nội mới ban hành phương án quy định về phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31.
Theo đó, nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 được đề ra là các trường hợp có xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dương tính hoặc mắc COVID-19 không tham gia thi đấu, phục vụ SEA Games 31 và thực hiện việc cách ly, điều trị theo hướng dẫn.
Những người tiếp xúc gần với trường hợp có xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dương tính hoặc mắc COVID-19 trong thời gian thi đấu, phục vụ, sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện xử lý theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó phải thường xuyên đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; hạn chế tối đa tập trung đông người ở các khu vực công cộng; hạn chế ra khỏi khu vực lưu trú nếu không cần thiết; thực hiện di chuyển một chiều từ nơi lưu trú đến nơi tập luyện, thi đấu và ngược lại.
Các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 có vận động viên, thành viên nhập viện điều trị sẽ tự trả tiền viện phí cho cơ sở điều trị.
Đối với người nhập cảnh, nếu là khách mời cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên; Trưởng, Phó đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 thì không bắt buộc phải có giấy xác nhận xét nghiệm hoặc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh.
Vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PVR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc được lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ trước khi thi đấu (đối với các nội dung có khoảng thời gian thi đấu cách nhau trên 3 ngày thì phải xét nghiệm ít nhất 3 ngày/lần).
Chỉ lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-CoV-2 cho người có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Tại khu vực lưu trú, cần bảo đảm tách riêng từng khu vực hoặc từng khách sạn để hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn thể thao và người lạ. Có phân chia khu vực nhà ăn riêng hoặc bố trí chỗ ngồi ăn hợp lý; giữ khoảng cách an toàn trong trường hợp cần thiết, nên bố trí đường di chuyển một chiều. Bố trí phòng cách ly y tế tạm thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 (có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh như sốt, ho, khó thở...)…
Tại địa điểm tổ chức thi đấu, bảo đảm phân chia khu vực rõ ràng và kiểm soát ra vào nghiêm túc để giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc giữa các nhóm khác nhau. Tại các thời điểm, số lượng nhân viên trong mỗi khu vực phải được giữ ở mức tối thiểu theo yêu cầu.
Bố trí lối đi riêng cho vận động viên, Ban huấn luyện, trọng tài, Ban tổ chức các trận thi đấu; bố trí phòng cách ly Y tế tạm thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19. Tổ chức khử khuẩn bên trong khu vực thi đấu (đối với các nội dung thi đấu trong nhà) 1 ngày trước khi diễn ra thi đấu.
Trong thời gian diễn ra các nội dung thi đấu, Ban tổ chức địa phương bố trí nhân viên vệ sinh, khử khuẩn vị trí tiếp xúc thường xuyên 2 lần/ngày.
Căn cứ vào diễn biến dịch COVID-19 ở thời điểm tổ chức thi đấu, TP.Hà Nội đưa ra 3 kịch bản tổ chức thi đấu, gồm: Thi đấu kín hoàn toàn; giới hạn số lượng khán giả; đầy đủ khán giả. Phương án cũng đề ra cách thức bố trí nhân lực, trang thiết bị và thực hiện thông tin báo cáo để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31.
An AnBạn đang xem bài viết Vận động viên dự SEA Games 31 nếu mắc COVID-19 nhập viện phải tự trả phí, không xét nghiệm khán giả đi xem tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].