Thông tin từ bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, BV vừa lọc máu cấp cứu kịp thời cho nam bệnh nhân T.T.V (35 tuổi, ở TP.Thủ Đức).
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng khó thở, da sạm đen, huyết áp tăng 145/95 mg Hg. Gia đình cho biết anh bị suy thận mạn giai đoạn 5, lọc máu (chạy thận) định kỳ 3 lần mỗi tuần.
Kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá chức năng lọc của thận ghi nhận định lượng creatinin cao 1066 umol/l, gấp 10 lần bình thường, kali tăng 7.56 mmol/l, u rê máu tăng đến 21.4 mmol/l.
Bác sĩ nhận định anh V. suy thận cấp trên nền suy thận mạn giai đoạn 5. Ngay lập tức, người bệnh được dùng thuốc hạ kali máu và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để lọc máu. Sau 8 tiếng, người bệnh khỏe, ăn uống bình thường trở lại, được xuất viện và tiếp tục chạy thận định kỳ.
Uống nước ngọt liên tục trong hơn 10 năm
Khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết cuối năm 2022, anh liên tục đau lưng dù làm việc nhẹ. Nhiều lần sau ăn cơm xong thì bị nôn, nghĩ do trào ngược dạ dày. Đi khám ở nhiều bệnh viện đều chẩn đoán thận bình thường.
Tháng 3.2023, anh V. phù chân, tay, mặt sưng, nghĩ do tăng cân. Sau đó, anh khó tiểu, bụng phình to, được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Bác sĩ xét nghiệm nước tiểu và máu, ghi nhận định lượng creatinin cao gấp 12 lần bình thường, khẳng định suy thận mạn giai đoạn 5, được lọc máu 3 lần mỗi tuần.
Anh V. cho biết 10 năm qua, anh có thói quen mỗi ngày đều uống 4-5 lon nước ngọt, trong khi lượng nước lọc uống cả năm chưa đến 20 lít. Nghĩ sức khỏe tốt nên anh cũng không đi khám sức khỏe định kỳ.
Bác sĩ lưu ý, uống nhiều nước ngọt làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp… Khi huyết áp không được kiểm soát trong thời gian dài, các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, giảm lượng máu cung cấp đến thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận.
Đặc biệt, thức uống có ga chứa axit photphoric (H3PO4) làm thay đổi thành phần nước tiểu, thúc đẩy sỏi thận, dẫn đến suy thận mạn tính. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Epidemiology, uống 2 ly nước ngọt có ga (dù chứa đường tự nhiên hay đường nhân tạo) mỗi ngày làm tăng nguy cơ suy thận mạn tính gấp 2 lần.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo không nên uống quá nhiều nước ngọt vì sẽ gây hại cho sức khỏe.
Suy thận mạn cần ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ
Nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn là tăng huyết áp, hội chứng thận hư, sỏi thận, viêm cầu thận, biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường… Uống nhiều nước ngọt làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp…
Khi huyết áp không được kiểm soát trong thời gian dài, các mạch máu trong cơ thể bị tổn thương, giảm lượng máu cung cấp đến thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận. Nước ứ thừa trong mạch máu ngày một nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn.
Với người bệnh thận (viêm cầu thận, sỏi thận…) không nên uống nước ngọt, tránh bệnh tiến triển đến suy thận. Với người suy thận, cần uống thuốc, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh suy thận đang lọc máu cần tuân thủ chế độ ăn uống chặt chẽ.
Bệnh nhân nên ăn ớt chuông đỏ, bắp cải, súp lơ, tỏi, hành tây, ức gà, đồng thời hạn chế ăn trái cây, rau củ nhiều nước và dùng các loại thuốc dân gian, đông y… sẽ tăng kali, khiến người bệnh có nguy cơ biến chứng ngưng tim, dễ tử vong.
V.LinhBạn đang xem bài viết Nam bệnh nhân nhập viện vì suy thận cấp, tiết lộ một thói quen rất xấu hơn 10 năm nay, giờ thì cho cũng không dám tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].