Ung thư đại tràng: 'Kẻ giết người thầm lặng'

Nói đến ung thư đại tràng, ngay các bác sĩ chuyên khoa đều nhận định, đó là một căn bệnh tử thần âm thầm. Bởi vì, căn bệnh có đặc trưng phát triển thầm lặng, các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, không có sự đặc trưng, không rõ nguyên nhân gây bệnh…

Bác sĩ Vũ Hồng Anh - Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện E

Bác sĩ Vũ Hồng Anh - Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện E

Nhiều người có polyp, ung thư nhưng không biết

Ông T.C.T (76 tuổi, địa chỉ: Đoan Hùng, Phú Thọ) thường rối loạn đại tiện, đi ngoài có nhiều máu nhày, ăn uống chậm tiêu hóa, bụng chướng, ấn đau tức mạn sườn phải. Khi nhập viện, qua thăm khám và kết quả các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại tràng. Bệnh nhân phải bóc tách khối u, tuy nhiên, khối u quá lớn, xâm lấn đến hậu môn nên các bác sĩ buộc phải làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân.

Điều đáng nói, trường hợp như ông T không phải hiếm. Với những bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng, khi phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn nặng, khó chữa trị. 

Bs Vũ Hồng Anh chia sẻ, khi polyp hình thành trong đại tràng là các tổn thương lành tính có dạng khối u, tuy nhiên, nếu không được phẫu thuật cắt bỏ, nó sẽ tiến triển thành ung thư đại trực tràng.

Bác sĩ cũng cho biết, tại Khoa Nội soi thăm dò chức năng Bệnh viện E, trung bình cứ 10 ca đến nội soi, có khoảng 4 ca có polyp hoặc bắt đầu tiến triển thành ung thư. Với tỉ lệ 35% mắc bệnh, điều đó đồng nghĩa polyp, ung thư đại tràng là căn bệnh khá phổ biến. Tuy nhiên, chỉ đến khi bác sĩ chỉ định bệnh, bệnh nhân mới biết đến thuật ngữ chuyên môn căn bệnh kể trên. 

Hình ảnh polyp dày kín trong đại tràng

Hình ảnh polyp dày kín trong đại tràng

“Polyp hoặc ung thư đại tràng thường có các biểu hiện dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hoá khác như rối loạn đại tiện, rối loạn phân, đi ngoài ra máu, đau bụng, gầy sút… Chính vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan mình mắc bệnh không nguy hiểm, tự tìm cách chữa trị… cho đến khi các biểu hiện ngày càng tăng nặng mới đến khám. 

Nhiều bệnh nhân đi ngoài ra máu kéo dài nhưng chỉ nghĩ mình mắc bệnh trĩ, không nguy hiểm. Hoặc nhiều người, do tâm lý ngại khám bệnh, ngại tẩy phân và nội soi nên bệnh phát triển nặng hơn rất nhiều mới được phát hiện. 

Chính vì vậy, có những trường hợp, bệnh nhân đến khi khối u đã quá to, phải cắt bỏ hậu môn, lắp hậu môn giả trong khi đó, nếu phát hiện sớm mới ở dạng polyp hoặc khối u nhỏ, các bác sĩ hoàn toàn có thể can thiệp, trả lại sức khoẻ bình thường cho bệnh nhân”, bác sĩ Vũ Hồng Anh chia sẻ. 

Bên cạnh đó, bệnh chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh, người ta mới chỉ ra các yếu tố nguy cơ cao như ăn uống thiếu khoa học, nhiều dầu mỡ, đồ nướng rán…

Chú ý những dấu hiệu bất thường

Theo bác sĩ Vũ Hồng Anh, mọi người nên chú ý những thay đổi của thói quen đại tiện, thay đổi giờ giấc đi ngoài, số lần đi ngoài trong ngày. Nếu bệnh nhân khi táo bón hay bị đi ngoài phân lỏng hoặc xen kẽ cả hai cần nghĩ ngay đến ung thư đại tràng và kiểm tra sớm.

Hoặc khi có biểu hiện như đi ngoài nhầy máu, theo bác sĩ, đây được coi là triệu chứng hay gặp nhất và dấu hiệu thông báo quan trọng nhất của ung thư đại tràng. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường dễ bị nhầm sang bệnh lỵ hoặc viêm đại tràng, trĩ.

Ngoài ra, một số biểu hiện dễ nhầm lẫn khác như đau vùng hạ vị, buồn đi ngoài, cảm giác đi ngoài không hết phân… là những dấu hiệu hay gặp nhưng dễ bỏ qua.

Nội soi là cách duy nhất để phát hiện bệnh nhân có polyp hay ung thư đại tràng hay không

Nội soi là cách duy nhất để phát hiện bệnh nhân có polyp hay ung thư đại tràng hay không

Bác sĩ cảnh báo, mọi người cũng cần chú ý dấu hiệu thay đổi khuôn phân: phân có thể bị dẹt, vẹt góc hoặc có những rãnh, những vết trên khuôn phân vì có thể chúng được tạo ra do khối u ở đại tràng.

Bên cạnh đó, dấu hiệu thông báo ung thư đại tràng còn có: thiếu máu do bệnh nhân bị mất máu vì chảy máu đại tràng kéo dài, da xanh, niêm mạc nhợt, xét nghiệm thấy giảm hồng cầu, huyết sắc tố hoặc gầy sút, suy nhược. Điều này xảy ra do khối u chảy máu, gây mất máu và khối u tiêu thụ một nguồn lớn dinh dưỡng của cơ thể.

Và chỉ có nội soi là cách tốt nhất để phát hiện ra bệnh. “Khi bắt đầu bước sang tuổi 50, người dân nên thực hiện tầm soát ung thư đại tràng định kỳ bằng phương pháp nội soi trực tràng, đại tràng hàng năm. Nội soi đại tràng là “phương pháp vàng” để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Những bệnh nhân tiền sử có polyp đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng, đã từng cắt polyp đại trực tràng, có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao cần theo dõi sức khỏe định kỳ.

Ngoài ra người có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gồm những người nằm trong nhóm các hội chứng di truyền ung thư đại trực tràng, những người thuộc nhóm này cần tầm soát ung thư đại trực tràng thường xuyên”, bác sĩ Hồng Anh nhấn mạnh.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính