Nội dung bài viết:
- Ung thư buồng trứng là bệnh gì?
- Triệu chứng bệnh
- Nguyên nhân và nguy cơ bệnh
- Các giai đoạn phát triển ung thư
- Các loại ung thư buồng trứng
- Chẩn đoán bệnh
- Điều trị bệnh
- Ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
- Một số cách phòng ngừa
1. Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng bắt nguồn từ những tế bào ung thư phát triển trong buồng trứng – một bộ phận quan trọng trong cơ thể phụ nữ có chức năng sản sinh trứng để thụ thai.
Tại Hoa Kỳ, ung thư buồng trứng đứng thức năm trong số những loại ung thư phổ biến có nguy cơ tử vong ở nữ giới. Tuy nhiên, theo Hội Ung thư Hoa Kỳ, nhờ những biện pháp tuyên truyền tích cực và ý thức của từng người, tỉ lệ tử vong do ung thư buồng trứng ở Mỹ đang có dấu hiệu giảm trong hai thập kỷ qua.
2. Triệu chứng điển hình của ung thư buồng trứng
Tuy rằng ở giai đoạn đầu, một số người có thể không nhận thấy có những dấu hiệu rõ ràng. Nhưng đau bụng dưới là triệu chứng điển hình của ung thư buồng trứng.
Một số những dấu hiệu sớm nhận biết ung thư buồng trứng có thể bao gồm:
- Đau hoặc cảm thấy nặng nề ở xương chậu
- Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân
- Đau lưng hoặc đau bụng
- Đầy hơi
- Cảm giác nhanh no
- Thay đổi thói quen tiểu tiện, chẳng hạn như đi tiểu nhiều lần trong ngày
- Thay đổi thói quen đại tiện, ví dụ như táo bón
Nếu có một trong những dấu hiệu trên kéo dài trong hai tuần trở lên, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bạn có thể gặp một số những dấu hiệu nghiêm trọng khác như:
- Ăn không ngon
- Buồn nôn và khó tiêu
- Giảm cân đột ngột
- Khó thở
- Mệt mỏi kéo dài
3. Nguyên nhân và những nguy cơ gây bệnh ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng phát triển khi các tế bào ở khu vực này phân chia và nhân lên không kiểm soát được. Nguyên nhân của ung thư buồng trứng hiện chưa rõ ràng lắm, nhưng các chuyên gia cũng đã và đang nhận thấy một vài yếu tố nguy cơ gây bệnh như sau:
- Tiền sử gia đình: Nếu như ai đó có người thân như mẹ, chị em gái mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú, họ sẽ có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng cao hơn những người khác. Theo đó, bằng cách kiểm tra đột biến gen, các bác sĩ có thể xác định nếu bạn có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng và ung thư vú hay không.
- Tuổi tác: Khoảng 50% những trường hợp ung thư buồng trứng xuất hiện sau tuổi 63.
- Tiền sử sinh sản: Không chỉ tuổi tác, tiền sử gia đình gây nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, quá trình mang thai, sinh nở cũng có thể là nguy cơ khiến bạn mắc bệnh cao hơn.
Các nhà khoa học cho rằng càng sinh nhiều con, phụ nữ càng có ít nguy cơ bị ung thư buồng trứng. Hơn thế nữa, những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ cũng có tỉ lệ mắc bệnh ít hơn những người không cho con bú.
Tuy nhiên, sinh con muộn (khoảng sau 35 tuổi) hoặc không bao giờ sinh con sẽ có nguy cơ cao bị bệnh ung thư buồng trứng.
Có người còn cho rằng một số người trải qua những điều trị về sinh sản cũng làm tăng nguy cơ. Nhưng điều này cần được nghiên cứu thêm.
Ngoài ra, phụ nữ dùng thuốc tránh thai hoặc tiêm hormone tránh thai cũng có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Ung thư vú: Có thể do biến đổi gen BRCA, những bệnh nhân có tiền sử ung thư vú dường như có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư buồng trứng. Vì thế, một số bệnh nhân ung thư vú do biến đổi gen BRCA có thể làm phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để phòng bệnh ung thư buồng trứng hiệu quả.
- Phương pháp thay thế hormone: Phương pháp thay thế hormone (HRT) sau thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Áp dụng HRT càng lâu, nguy cơ bị bệnh ung thư buồng trứng càng cao. Và nó sẽ giảm sau khi ngừng biện pháp HRT.
- Thừa cân, béo phì: Theo các nhà khoa học, ung thư buồng trứng thường phổ biến ở những người thừa cân, béo phì.
- Giải phẫu phụ khoa: Trải qua phẫu thuật cắt bỏ dạ con hay còn gọi là thủ thuật cắt bỏ dạ con có thể giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng khoảng 1/3.
- HPV: Các nhà khoa học đã tìm ra những mối liên hệ giữa vi rút HPV và nhiều loại ung thư khác nhau. Vào năm 2013, sau khi phân tích, các tác giả đã cho biết họ tìm ra tỉ lệ HPV cao ở những người mắc bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, họ không thể khẳng định rằng HPV là nguyên nhân chính và cần nhiều hơn những cuộc nghiên cứu trong tương lai.
- Một số nguy cơ khác: Một số những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng đó là có quá nhiều nội tiết tố androgen hoặc các hormone nam, các yếu tố về dinh dưỡng và sử dụng chất talcum (thường được dùng trong chất bôi trơn, hoặc các loại bột tạo hương sữa tắm…). Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định cần nhiều hơn những cuộc nghiên cứu để xác định rõ ràng những yếu tố này có phải là nguyên nhân chính hay không.
Nguy cơ mắc bệnh đối với những người chuyển giới
Một vài cuộc nghiên cứu đã khuyến cáo rằng nồng độ androgen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Những người chuyển giới sử dụng biện pháp hormone để thực hiện mục đích của mình có thể là đối tượng cần được quan tâm.
Một cuộc nghiên cứu năm 2017 gợi ý rằng cắt bỏ buồng trứng có thể làm giảm được nguy cơ gây bệnh, nhưng các tác giả vẫn cho rằng họ vẫn có thể có nguy cơ mắc phải bệnh này.
Cộng đồng LGBT chỉ ra rằng những người chuyển giới có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ y tế do những vấn đề nhạy cảm trong việc tiết lộ giới tính của họ.
Họ khuyến khích những người chuyển giới nên nhờ bạn bè, người thân, bệnh viện địa phương và công ty bảo hiểm để tìm ra bác sĩ thích hợp để giúp họ chăm sóc sức khỏe của mình.
4. Các giai đoạn phát triển ung thư buồng trứng
Giai đoạn 1
Giai đoạn 1 của ung thư buồng trứng có thể xuất hiện ở 1 hoặc cả hai bên buồng trứng. Nó chưa xuất hiện ở các hạch bạch huyết hoặc di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Trong một vài trường hợp, ung thư phát triển trên bề mặt của buồng trứng hoặc các tế bào ung thư tróc ra và các bác sĩ phát hiện ra chúng trong bụng và xương chậu.
Giai đoạn 1 của ung thư buồng trứng có ba giai đoạn nhỏ:
- Nếu ung thư ở một bên buồng trứng hoặc ở ống dẫn trứng, gọi là giai đoạn 1a
- Nếu ung thư xuất hiện ở cả hai bên buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, gọi là giai đoạn 1b
Giai đoạn 1c xuất hiện khi ung thư xuất hiện ở một bên hoặc cả hai buồng trứng hoặc các ống dẫn trứng hoặc ở một trong số những bộ phận như:
- Các mô xung quanh khối u bị vỡ khi phẫu thuật
- Ung thư ngoài một bên buồng trứng hoặc ống dẫn trứng
- Các tế bào ung thư xuất hiện ở dung dịch phần xương chậu và bụng
Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 của ung thư buồng trứng xâm lấn sang các bộ phận vùng xương chậu như bàng quang, tử cung, trực tràng hoặc ruột kết. Nó không lan sang các hạch bạch huyết hoặc các khu vực khác ngoài xương chậu. Ở giai đoạn này có hai giai đoạn nhỏ:
- Giai đoạn 2a: Ung thư đã mở rộng ra dạ con hoặc ống dẫn trứng nhưng không gần các hoạch bạch huyết hoặc các vùng xa hơn.
- Giai đoạn 2b: Ung thư mở rộng ra các bộ phận khung xương chậu như bàng quang, trực tràng.
Giai đoạn 3
Giai đoạn 3 của ung thư buồng trứng xuất hiện ở trong một hoặc hai buồng trứng hoặc các ống dẫn trứng hoặc phía trong ổ bụng, còn gọi là phần màng bụng.
Nó cũng lan đến gần các bộ phận quanh xương chậu và hạch bạch huyết.
Giai đoạn 3 có 4 giai đoạn nhỏ như sau:
- 3a1: Các tế bào ung thư đã lan đến khu vực quanh xương chậu đến các hạch bạch huyết, có thể là những khu vực gần màng bụng, nhưng chưa di chuyển đến các khu vực khác.
- 3a2: Cũng như trên, tế bào ung thư xâm lấn các cơ quan gần xương chậu. Một phần nhỏ các tế bào ung thư xuất hiện ở phần thành bụng.
- 3b: Các tế bào ung thư phần thành bụng nay có thể nhìn thấy được bằng mắt thường khoảng dưới 2cm.
- 3c: Khối u có thể lớn hơn 2cm
Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 của ung thư buồng trứng là giai đoạn cuối và được chia thành 2 giai đoạn nhỏ, đó là:
- 4a: Các tế bào ung thư đã lan đến phổi và chưa xuất hiện ở đâu khác xung quanh vùng bụng.
- 4b: Ung thư đã di căn đến gan, xương, lá lách, ruột hoặc các hạch bạch huyết.
Khi chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng, các bác sĩ cần xác định giai đoạn và mức độ nặng nhẹ để có phác đồ điều trị hợp lý.
Các giai đoạn liên quan đến việc ung thư đã di căn hay chưa. Ví dụ:
- Giai đoạn đầu: Các tế bào ung thư mới chỉ ảnh hưởng đến hai bên buồng trứng hoặc ống dẫn trứng và chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
- Giai đoạn vùng: Ung thư đã di chuyển đến gần các bộ phận khác, ví dụ như dạ con
- Giai đoạn di căn: Ung thư đã xuất hiện và ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể như phổi, gan.
Mức độ nặng nhẹ ở đây có nghĩa là các tế bào ung thư xuất hiện khác thường như thế nào.
Chẩn đoán sớm bệnh ung thư buồng trứng rất quan trọng. Nhưng một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Đó là tuổi tác, tình trạng bệnh tật, loại ung thư hoặc mức độ ung thư…
5. Các loại ung thư buồng trứng
Ít ai biết rằng, có đến hơn 30 loại ung thư buồng trứng, phụ thuộc vào loại tế bào kích hoạt ung thư là gì.
Có 3 loại tế bào phổ biến:
- Tế bào biểu mô: Xuất hiện ở trên bề mặt buồng trứng
- Tế bào mầm: trở thành trứng để tái sản xuất
- Tế bào gốc trung mô: sản sinh ra hormone và có liên quan đến cấu trúc của buồng trứng.
Các khối u biểu mô thường phổ biến và xâm lấn nhiều nhất. Chúng xuất hiện ở khoảng 85 – 90% những người mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Các u tế bào mầm rất lành tính và đến 90% trường hợp ung thư có tiên lượng tốt khi điều trị.
6. Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Nếu các phương pháp chụp, chiếu và những triệu chứng cho thấy bạn có khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số điều như:
- Hỏi tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình
- Cho kiểm tra vùng xương chậu
Ngoài ra, các bác sĩ có thể khuyên bạn làm một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: Có thể kiểm tra được nồng độ CA-125 có cao hay không. CA-125 là loại protein được gọi là chất chỉ điểm ung thư.
- Các chẩn đoán hình ảnh: Có thể siêu âm vùng âm đạo hoặc chụp cộng hưởng từ MRI, chụp CT
- Soi bụng: Các chuyên gia y tế sẽ lấy một chiếc ống nhỏ có gắn camera và soi buồng trứng và có thể lấy một vài tế bào tại đây để sinh thiết.
- Sinh thiết: Kiểm tra các tế bào mẫu
Sinh thiết có thể cho biết người đó có ung thư hay không. Các bác sĩ có thể thực hiện điều này như một kiểu đánh giá ban đầu hoặc thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u.
7. Điều trị ung thư buồng trứng
Khi bị ung thư buồng trứng, những phác đồ điều trị được đặt ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sau:
- Loại ung thư buồng trứng, giai đoạn và mức độ của nó
- Dựa vào tuổi tác và sức khỏe nói chung
- Những ưu điểm cá nhân
- Khả năng đáp ứng được phác đồ điều trị đó hay không
Một số những phương pháp điều trị có thể áp dụng:
- Phẫu thuật: Nó sẽ phụ thuộc vào loại ung thư và nó di căn đến đâu. Những lựa chọn phẫu thuật bao gồm thủ thuật cắt bỏ dạ con, loại bỏ một hoặc cả hai bên buồng trứng, và loại bỏ những hạch bạch huyết bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể bàn bạc với bệnh nhân để lựa chọn cách điều trị thích hợp.
- Hóa trị: Những loại thuốc này nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu bệnh nhân uống thuốc, tiêm hoặc truyền thuốc, chúng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Một sự lựa chọn khác là hóa trị vùng bụng. Theo cách này, một chiếc ống dẫn đưa thuốc trực tiếp vào phần bị ung thư. Phương pháp hóa trị có thể có những tác dụng phụ, đặc biệt nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
- Liệu pháp điều trị đích: Một vài biện pháp chữa trị nhằm vào một số tế bào nhất định có khả năng đẩy mạnh sự phát triển của ung thư. Ví dụ như liệu pháp kháng thể đơn dòng và các chất ức chế hình thành mạch máu. Liệu pháp điều trị đích nhằm hạn chế những phản ứng bằng cách nhắm vào một số chức năng cụ thể.
- Xạ trị: Kỹ thuật này sử dụng các tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này cho phép dung dịch phóng vào màng bụng. Cách này phù hợp với những người ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn.
- Điều trị miễn dịch ung thư (liệu pháp sinh học): Phương pháp này tăng cường khả năng hệ thống miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể chống lại ung thư. Phương pháp tiêm vắc xin là tiêm các chất hóa học nhằm tìm và tiêu diệt khối u. Nó có thể hữu ích đối với một số người mắc ung thư buồng trứng ở giai đoạn phát triển.
8. Người mắc bệnh ung thư buồng trứng sống được bao lâu?
Khoảng thời gian từ 2008 – 2014, tỉ lệ sống 5 năm của các bệnh nhân ung thư buồng trứng phản ánh tỉ lệ sống của bệnh nhân ung thư có thể lên đến 5 năm hoặc hơn.
Rất nhiều người thắc mắc liệu họ có thể sống được bao lâu sau khi biết mình bị bệnh ung thư buồng trứng, liệu nó có chữa được không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển và loại bệnh ung thư họ mắc phải. Một số yếu tố cá nhân như tuổi tác, sức khỏe và khả năng đáp ứng phác đồ điều trị cũng ảnh hưởng đến tiên lượng khả năng sống của bệnh nhân ung thư buồng trứng.
Và đây là thống kê từ ACS về 3 loại ung thư buồng trứng:
Giai đoạn | Ung thư buồng trứng biểu mô | Các khối u mô đệm buồng trứng | Các khối u tế bào mầm buồng trứng |
Giai đoạn đầu | 92% | 99% | 98% |
Giai đoạn vùng | 75% | 89% | 95% |
Giai đoạn di căn | 30% | 61% | 75% |
9. Một số cách hỗ trợ phòng ngừa bệnh ung thư buồng trứng
Một số yếu tố khác nhau có thể dẫn đến những loại ung thư khác nhau. Các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra những bệnh ung thư này cũng như cách phòng ngừa nó. Mặc dù không có cách nào để chứng minh phòng ngừa hoàn toàn những vấn đề nghiêm trọng này, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một số biện pháp được khuyến cáo.
Như vậy, đây là một số những lời khuyên của các chuyên gia y tế về cách phòng ngừa bệnh ung thư buồng trứng bạn có thể tham khảo:
- Uống thuốc tránh thai: Phụ nữ uống thuốc tránh thai khoảng từ 3 năm trở lên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư ống dẫn trứng lên đến 30-50%. Tỉ lệ giảm có thể kéo dài khoảng 30 năm sau khi họ dừng uống thuốc.
- Nuôi con bằng sữa mẹ: Mẹ cho con bú càng lâu, khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư ống dẫn trứng càng thấp.
- Mang thai: Những phụ nữ mang thai đủ tháng có ít khả năng mắc bệnh ung thư nguy hiểm này.
- Phẫu thuật: Phụ nữ thực hiện thủ thuật cắt bỏ dạ con có nguy cơ ít mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư ống dẫn trứng. Đây là thủ thuật cắt bỏ dạ con, và đôi khi là cả cổ tử cung. Với những người có khả năng cao mắc bệnh này, các bác sĩ thường khuyến khích cắt bỏ dạ con để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh.
10. Kết luận
Tất cả các loại ung thư cổ tử cung đều có thể chữa trị được nếu được phát hiện sớm. Một vài loại cũng có thể chữa trong giai đoạn muộn hơn.
Khoảng 20 năm trở lại đây, y tế cũng đã phát triển và có thể kéo dài sự sống cho nhiều bệnh nhân.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng chăm sóc sức khỏe chủ động là yếu tố tiên quyết. Bạn nên cảm nhận được cơ thể mình và kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể có cơ hội chữa trị sớm nếu mắc bệnh.
(Theo Medical News)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết Tất tần tật những điều bạn nên biết về ung thư buồng trứng tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].