Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội: Dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô

Sau tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở Thủ đô được đưa vào hoạt động, cung cấp cho người dân một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh và hiện đại, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Giảm ùn tắc giao thông cho thành phố

Sáng ngày 8/8/2024, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức đi vào khai thác thương mại với đoạn trên cao từ ga Nhổn tới ga Cầu Giấy dài 8,5km. 10 đoàn tàu đã được khai thác vận hành hành khách.

Theo số liệu từ công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), trong ngày đầu tiên vận hành đã có hơn 14.000 hành khách trải nghiệm tàu điện metro Nhổn - Ga Hà Nội. Trung bình 1 giờ có khoảng hơn 1.800 khách đi tàu đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Con số này tương đương với khách đi trên tuyến Cát Linh - Hà Đông trong ngày bình thường (khoảng 27.000 khách/ngày đêm).

Hơn 14.000 hành khách trải nghiệm tàu điện metro Nhổn - Ga Hà Nội trong ngày đầu tiên.

Hơn 14.000 hành khách trải nghiệm tàu điện metro Nhổn - Ga Hà Nội trong ngày đầu tiên.

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị, đoàn tàu, hệ thống điều khiển đều áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của châu Âu. Tàu có vận tốc tối đa đạt 80km/h, vận tốc khai thác trung bình là 35km/h. Các đoàn tàu sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, nhà sản xuất là Alstom (Cộng hòa Pháp). Theo thiết kế của tuyến đường sắt đô thị số 3, năng lực vận chuyển của tuyến là 23.900 hành khách/1 giờ/1 hướng. Nếu vận hành trong ngày từ 5h30 sáng đến 22h đêm thì tuyến đường sắt có thể vận chuyển tối đa hơn 500.000 hành khách/ngày.

"Việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra nhức nhối tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội. Trong đó, việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là "xương sống" của vận tải hành khách công cộng. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven thủ đô vào sâu trong nội thành. Với tính ưu việt của các đoàn tàu như nhanh, sạch, tiện, rẻ thì chắc chắn sẽ hấp dẫn, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thanh phố" - đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định.

Dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô

Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được khởi động và đi vào khai thác thương mại đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô. Đây là sự kiện ý nghĩa trong sự phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. 

Tuyến đường sắt đô thị được vận hành khai thác là dấu mốc quan trọng của Thủ đô.

Tuyến đường sắt đô thị được vận hành khai thác là dấu mốc quan trọng của Thủ đô.

Bởi theo các chuyên gia giao thông nhận định, dân số Hà Nội đến năm 2030 tăng lên khoảng 11,5 triệu người, ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ tiếp tục tạo ra các gánh nặng, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc giao thông thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD (mô hình được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường). Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

"Hiệu quả từ việc vận hành tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy điều đó. Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác vận hành từ ngày 6/11/2021, qua khảo sát cho thấy, 60% hành khách từ bỏ xe máy để đi tàu điện Cát Linh – Hà Đông. Con số này phản ánh đúng với những lợi ích mà đường sắt đô thị đem lại, đó là an toàn, thuận tiện và quan trọng là đúng giờ" - Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết.

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được HĐND thành phố Hà Nội thông qua ngày 29/3, Hà Nội định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch cũ. UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8 km và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 301 km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư 14,602 tỷ USD.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính