Tại Điều 10 và Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện của người lao động đang được tính theo công thức sau:
Mức đóng/tháng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện - Mức nhà nước hỗ trợ đóng
Trong đó:
- Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện của người lao động do người đó tự quyết định.
- Mức nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện:
+ Mức hỗ trợ được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn:
- Hộ nghèo được hỗ trợ: 30% x 22% x 1.500.000 = 99.000 đồng/tháng
- Hộ cận nghèo được hỗ trợ: 25% x 22% x 1.500.000 = 82.500 đồng/tháng
- Các đối tượng khác được hỗ trợ: 10% x 22% x 1.500.000 = 33.000 đồng/tháng
+ Thời gian hỗ trợ: Dựa trên thời gian thực tế tham gia BHXH tự nguyện của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng); Bắt đầu từ ngày 01/01/2018.
Để khuyến khích, thúc đẩy số lượng người lao động tham gia BHXH nhiều hơn nữa, người lao động, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ấn định quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025.
Theo Phụ lục 04 Nghị quyết số 03, từ 01/8/2022 đến hết 31/12/2025, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn với mức sau:
- Hộ nghèo: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn.
- Hộ cận nghèo: Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn.
- Các đối tượng khác: Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn.
Như vậy, sau khi được thành phố tăng thêm mức hỗ trợ đóng, từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, số tiền thực đóng hàng tháng của người lao động tham gia BHXH tự nguyện tại TP.Hà Nội như sau:
- Người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 60% mức đóng, tương ứng với 198.000 đồng/người/tháng, nên số tiền thực đóng giảm còn 132.000 đồng/người/tháng.
- Người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% mức đóng, tương ứng với 165.000 đồng/người/tháng, nên số tiền thực đóng giảm còn 165.000 đồng/người/tháng.
- Các trường hợp khác được giảm 20% mức đóng, nên số tiền thực đóng giảm còn 264.000 đồng/người/tháng.
Phụ lục 04 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND cũng nêu rõ, người được áp dụng chính sách hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hà Nội và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể các đối tượng được hỗ trợ bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 03 tháng trước 01/01/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ 01/01/2018 trở đi.
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
- Người lao động giúp việc gia đình.
- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.
- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm (bao gồm cả người tự tổ chức hoạt động lao động) để có thu nhập cho bản thân và gia đình.
- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu (trừ trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thực hiện đóng BHXH tự nguyện 1 lần);
- Người tham gia khác.
An AnBạn đang xem bài viết Từ tháng 8/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có gì mới? tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].