Bệnh lạ trên da
Bệnh nhân Đỗ Văn K. (34 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh), nhập viện BV Nội tiết Trung ương trong tình trạng xuất hiện các nốt đặc nhân vàng, viền đỏ xung quanh tập trung dày đặc ở mặt sau cẳng, cánh tay, vùng lưng, bụng và đùi 2 bên, kèm theo mệt mỏi, gầy sút cân, tiểu nhiều, uống nhiều.
Theo lời bệnh nhân kể, cách vào viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân tự nhiên xuất hiện các nốt đặc có nhân vàng, viền đỏ bên ngoài, kích thước 1-3 mm, ở vùng lưng, bụng, cánh cẳng tay, đùi cẳng chân 2 bên, không đau, không ngứa, không gây cảm giác khó chịu gì.
Ban đầu anh K. chỉ nghĩ đơn thuần đó là những nốt mụn ngoài da nên đã tự ý nặn ra, những nốt nhỏ sau khi nặn nhân vàng ra thì thâm lại, đóng vảy còn các nốt to hơn thì rất khó nặn.
Đồng thời, các nốt này có xu hướng ngày càng lan rộng và dày đặc hơn ở các vị trí trên. Sau đó, anh K. quyết định đi khám chuyên khoa Da liễu tại BV Uông Bí – Thụy Điển, nhưng vẫn không rõ chẩn đoán, được kê đơn thuốc trong 1 tháng.
Tuy nhiên, sau dùng thuốc, các nốt đặc nhân vàng viền đỏ không có xu hướng giảm đi mà còn tăng lên làm bệnh nhân vô cùng lo lắng.
Khi phỏng vấn thì được anh K. cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ là bệnh ngoài da nhưng sau khi xuất hiện các nốt đặc nhiều và dày đặc hơn trên cơ thể và dùng đủ thuốc khác nhau từ tây y đến đông y mà vẫn không khỏi.
Đồng thời, tôi lại cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt 5 kg/4 tháng nên tôi cũng khá lo lắng. Có một số bạn bè đã khuyên tôi nên xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám. Tại đây, tôi được chẩn đoán U vàng phát ban, rối loạn lipid máu hỗn hợp, ĐTĐ typ 2.
U vàng phát ban- Cần làm gì để điều trị dứt điểm?
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, u vàng phát ban (erruptive xanthomas) là một tổn thương da lành tính gây ra bởi sự lắng đọng cục bộ của lipid đặc biệt là triglycerid trong lớp hạ bì. Biểu hiện của u vàng phát ban là các nốt đặc, sẩn màu vàng hồng có kích thước khác nhau từ 1-4 mm, thường xuất hiện ở vị trí mặt duỗi các chi và mông và lưng.
Tình trạng này thường đặc trưng bởi nồng độ triglycerid huyết thanh tăng cao và bệnh lí đái tháo đường kiểm soát kém hoặc mới được chẩn đoán.
Có khoảng 10% bệnh nhân tăng triglycerid máu nặng có biểu hiện u vàng phát ban trên da. Trong trường hợp bệnh nhân K. trên đây cũng là một trong những ca bệnh đặc biệt của tăng triglycerid máu nặng với biểu hiện trên da kèm theo đái tháo đường mới được chẩn đoán.
Để chẩn đoán u vàng phát ban thường dựa vào biểu hiện da trên lâm sàng, nhưng để chẩn đoán xác định cần phải sinh thiết nốt sẩn tìm tế bào bọt (đại thực bào ăn lipid).
Khi nồng độ triglycerid tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp và bệnh lí mạch vành (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), từ đó có thể dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống, làm nặng lên tình trạng bệnh tật hoặc tử vong.
Cũng theo bác sĩ Hương, ở bệnh nhân tăng triglycerid nặng nói chung cũng như bệnh nhân K. nói riêng, cần phải xác định xem rối loạn lipid máu này có tính chất gia đình không, dựa vào xét nghiệm định lượng apolipoprotein.
Đồng thời cũng cần khai thác thêm tiền sử gia đình của những bệnh nhân này về tình trạng thừa cân, béo phì, đái tháo đường kiểm soát kém hay đã được chẩn đoán rối loạn lipid máu... để có biện pháp thay đổi lối sống và điều trị phù hợp.
Về điều trị bao gồm kiểm soát tình trạng tăng triglycerid máu kèm kiểm soát đường máu chặt chẽ. Cần phải giáo dục bệnh nhân thay đổi lối sống bằng cách giảm cân, giảm lượng carbonhydrat ăn vào, tập thể dục, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia.
Ở những bệnh nhân thừa cân, béo phì, nên giảm khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể. Cần có chế độ ăn phù hợp, ăn giảm muối, tăng lượng chất xơ (rau xanh) 30-40 g/ ngày, nên ăn nhiều rau xanh khi bắt đầu bữa ăn để giảm hấp thu carbonhydrat trong bữa ăn, hạn chế lượng chất béo trong ngày bằng cách giảm ăn béo bão hòa (như mỡ động vật, bơ, pho mai..), nên ăn các loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như dầu thực vật, các loại hạt như lạc, hướng dương, cá,...
Ngoài ra, cần giảm lượng carbonhydrat trong ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân. Nên ăn chế độ ăn giảm calo, nên giảm khoảng 500 kcal/ngày, duy trì lượng calo khoảng 800-1500 kcal/ngày).
Về chế độ luyện tập, cần duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và ít nhất 150 phút/ tuần. Cần tăng cường dần độ mạnh của các bài tập từ đi bộ nhanh, chạy bộ, aerobic, bóng chuyền, bóng đá, tập các bài tập đối kháng như nhấc tạ, squats.... Ở những bệnh nhân đang hút thuốc lá, cần bỏ càng sớm càng tốt vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh lí tim mạch (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi...). Hạn chế rượu bia cũng rất cần thiết góp phần làm giảm các nguy cơ bệnh tim mạch.
Việc điều trị bằng thuốc, chủ yếu là dùng các nhóm thuốc làm giảm triglycerid (fibrat) và LDL cholesterol (statin) đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ đường máu, duy trì HbA1C < 7%.
Điểm lưu ý là đối với bệnh nhân này, cần phải giáo dục thường xuyên để bệnh nhân tuân thủ điều trị, không tự ý dừng thuốc mà chưa có sự cho phép của bác sĩ bởi vì, nếu tự ý dừng thuốc, chỉ số triglycerid có thể tăng cao trở lại và gây ra các nguy cơ về tim mạch cũng như viêm tụy cấp cho bệnh nhân.
Thông thường, trung bình u vàng phát ban thường biến mất sau khoảng 8 tuần điều trị. Ở những bệnh nhân này, nên đi khám định kì 1 tháng/ lần để theo dõi và điều chỉnh liều thuốc đồng thời nên tầm soát tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid và đường máu của các người thân trong gia đình bệnh nhân.
L.MinhBạn đang xem bài viết Tự nặn các nốt sần trên da, người đàn ông hốt hoảng vì gặp bệnh lạ tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].