Báo Điện tử Gia đình Mới

Trẻ nuốt bút chì, uống thuốc diệt chuột, tự đốt cồn... do sự bất cẩn của người lớn

Nuốt mẩu bút chì, nghịch cồn gây bỏng… đều là những tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng xảy ra ở trẻ do sự bất cẩn của người lớn.

Trong thời gian vừa qua, BV Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận nhiều trường hợp là các bệnh nhi bị tai nạn thương tích nghiêm trọng trong sinh hoạt như uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, ngậm que diêm, nuốt mẩu bút chì, đặc biệt nghịch cồn gây bỏng nghiêm trọng... mà nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn.

Có một số trường hợp trẻ đã xem video hướng dẫn trên internet và tự mua cồn về đốt thử bằng bật lửa. Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên làm bỏng toàn bộ vùng tay và mặt của trẻ.

Điển hình như trường hợp của bé N.L.V.L. (sinh năm 2008, ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) trẻ nhập viện trong tình trạng có nuốt ruột bút chì dài khoảng 3cm, sau nuốt trẻ nôn nhiều lần, lần đầu nôn ra dịch dạ dày lẫn dị vật màu đen, sau đó ra máu đỏ tươi và được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

  Bệnh nhi bị bỏng nặng vùng đầu mặt sau khi nghịch cồn

Bệnh nhi bị bỏng nặng vùng đầu mặt sau khi nghịch cồn

Một trường hợp nữa là bé Đ.D.H. (sinh năm 2011, ở Đông Triều tỉnh Quảng Ninh), trẻ nhập viện trong tình trạng trẻ sử dụng cồn tại nhà bị bỏng nhiệt được gia đình cho nhập viện kiểm tra.

Kết quả khám lâm sàng thấy vùng mặt trẻ xuất hiện nhiều nốt dạng phỏng nước vùng mặt, diện bỏng vùng mặt độ I-II.

Trẻ được làm sạch, cắt lọc bề mặt da diện bỏng hoại tử, đắp gạc tẩm Silvirin diện bỏng và băng bỏng.

Hiện tại, sức khỏe bé ổn định, đang được điều trị bỏng tại Khoa Ngoại và Chuyên khoa.

Bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu, Khoa Ngoại và Chuyên khoa cho biết, tai nạn thương tích có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào.

Riêng với trẻ nhỏ, các tai nạn thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước được và có thể gây ra những thương tổn thực thể rất nghiêm trọng trên cơ thể trẻ.

Do trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và nên thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang,...

Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà.

Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn…

Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Khi không may xảy ra tai nạn, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO