Bé trai 4 tuổi bị rắn độc cắn khi đang thả diều, bác sĩ chỉ cách xử lý nhanh khi bị rắn cắn

Trong lúc đang thả diều trên đồng, cậu bé 4 tuổi bị trượt chân ngã vào bụi cỏ và đã bị rắn độc cắn phải vào viện cấp cứu.

Các bác sĩ BV Nhi đồng thành phố (TP.HCM) thông tin, đơn vị vừa kịp thời truyền huyết thanh kháng độc rắn cho bé Q.V (4 tuổi, ở Đồng Tháp).

Gia đình bé V. cho biết, khi đang thả diều trên đồng, vô tình bé trượt chân ngã vào bụi cỏ thì bị rắn cắn ở bàn chân trái. Nghe bé hét lên bị rắn cắn, gia đình nghĩ bé giẫm phải cây gậy nhọn.

Nhưng khi nhìn thấy con rắn lục tre xanh lẫn vào lá và cành cây, gia đình lập tức đưa bé cấp cứu tại bệnh viện địa phương.

Cậu bé được chuyển đến viện trong tình trạng một vết thương rỉ máu tươi ở bàn chân trái, la khóc thất thanh vì hoảng hốt... Trong vòng vài chục phút trên đường chuyển viện, bàn chân chuyển sang màu xanh tím dần và sưng nề.

  Cậu bé 4 tuổi bị trượt chân ngã vào bụi cỏ và đã bị rắn độc cắn phải vào viện cấp cứu

Cậu bé 4 tuổi bị trượt chân ngã vào bụi cỏ và đã bị rắn độc cắn phải vào viện cấp cứu

Tại bệnh viện địa phương, bé được xét nghiệm và truyền khẩn huyết thanh kháng độc tố rắn lục tre. Sau đó, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng thành phố để tiếp tục kiểm tra.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho biết, loại rắn cắn được người nhà phát hiện là rắn lục tre, không phải rắn lục đuôi đỏ siêu độc. Qua các xét nghiệm, bé không bị ảnh hưởng chức năng gan thận và rối loạn đông máu.

Cách xử lý khi bị rắn cắn

Bác sĩ Vũ khuyến cáo, khi phát hiện người thân bị rắn cắn cần gọi cấp cứu ngay cả khi không nghĩ rằng rắn có nọc độc.

Đồng thời, cần lưu ý cách xử lý khi bị rắn cắn dưới đây:

- Khi bị rắn độc cắn, cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, chú ý không để nạn nhân tự đi lại, bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp.

- Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không chích rạch tại vết thương, nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Sau đó, nạn nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.

- Không nên buộc ga ro (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép.

- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu.

Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

- Nếu nạn nhân bị liệt do nọc độc rắn thì khai thông đường hô hấp như hút đờm rãi, hô hấp nhân tạo…

- Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.

- Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính