Kẹp tay vào cánh cửa có thể gây tổn thương như thế nào?
Bé trai 6 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội mới được người nhà đưa vào BV ĐK Xanh Pôn cấp cứu vì nghịch ngợm dẫn đến kẹp ngón tay vào cửa.
Bệnh nhi được người nhà đưa vào viện trong tình trạng tỉnh táo, có vết thương ở bàn tay trái, ngón 3 chảy máu, tím, dập nát mô mềm, tổn thương búp ngón 3 nặng.
Bác sĩ nội trú Đặng Văn Thành, khoa Phẫu thuật tạo hình, BV ĐK Xanh Pôn cho biết: “Khi bé được đưa vào khoa, chúng tôi đã tiến hành thăm khám, kiểm tra vết thương của bé thì thấy có tổn thương bong móng, dập búp ngón tay, đứt giường móng, phần xương không bị tổn thương, nhưng phần mô mềm ở đầu ngón 3 bị dập nát ở mức độ nhẹ.
Thông thường, những tai nạn kẹp cửa ở trẻ nhỏ thường có lực va chạm rất mạnh dẫn đến bong móng, dập búp ngón tay, đứt giường móng, gây đau đớn cho trẻ.
Mà độ tuổi trẻ hay bị kẹp cửa thường là trẻ nhỏ trên 1 tuổi. Khi đó trẻ bắt đầu biết đi, trẻ ham nghịch ngợm khám phá thế giới xung quanh, hay đút tay vào các khe nhỏ dẫn đến tai nạn xảy ra.
Và vì là trẻ nhỏ, xương, da, các mô rất mềm, gặp lực va chạm mạnh từ các cánh cửa gỗ, cửa sắt nặng sẽ dẫn đến vết thương nặng”.
Cách xử lý tay bị kẹp vào cánh cửa
Với trường hợp bệnh nhi này, ngay khi vào viện đã được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Do búp ngón tay của bệnh nhi còn hồng nên hướng điều trị của các bác sĩ là điều trị bảo tồn, xử lý phần vết thương ở mô mềm, khâu lại giường móng và đặt móng giá.
Theo bác sĩ Thành, việc đặt móng giả trong trường hợp này để định hướng phát triển cho móng mới hình thành và mọc thẳng.
Nếu để tự nhiên không đặt móng giả thì móng mới mọc lên sẽ không được thẳng, móng mọc quặp, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, hơn nữa móng mọc quặp sẽ đâm vào da gây đau cho trẻ.
Thông thường, vết thương như của bệnh nhi này cố định giường móng khoảng 1 tháng là có thể cắt chỉ, móng mới tự mọc lên và móng giả sẽ tự bong ra.
Sau điều trị 2 ngày, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và được ra viện điều trị ngoại trú, dùng thuốc tại nhà và vào viện thay băng hàng ngày.
Bác sĩ Thành cho biết thêm, trong sinh hoạt hàng ngày, những ca trẻ bị kẹp cửa thường gặp rất nhiều, có những ngày khoa tiếp nhận đến 3 cháu phải vào phẫu thuật cấp cứu vì kẹp cửa.
Chỉ trong khoảng 1 tháng gần đây, khoa tiếp nhận khoảng 15 – 20 cháu phải vào viện điều trị vì kẹp cửa gây tổn thương tay.
Thường tai nạn như thế này đối với người lớn thì chỉ là một cuộc tiểu phẫu nhỏ, nhưng với trẻ nhỏ phải tiến hành phẫu thuật.
Bởi đầu ngón tay là nơi hội tụ nhiều dây thần kinh nên sẽ rất đau. Hơn nữa trẻ nhỏ thường không hợp tác trong quá trình điều trị nên sẽ rất khó xử lý. Nên với những trường hợp trẻ nhỏ bị kẹp tay dẫn đến tổn thương búp ngón tay, đứt giường, thường 100% phải vào phòng mổ để gây mê phẫu thuật xử lý.
Do đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ có con nhỏ cần chú ý chăm sóc con, tránh để trẻ nghịch gợm với những cánh cửa nhà, cửa tủ nặng. Với những nhà có con nhỏ nên chọn lựa những loại cửa nhẹ, cần có những lớp đệm cửa để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Khi trẻ chẳng may bị kẹp cửa dẫn đến tổn thương, cần cầm máu cho trẻ và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Bởi nếu không điều trị kịp thời trẻ có thể bị nhiễm trùng do vết thương hở, cầm máu không tốt có thể dẫn đến nguy cơ mất máu, tổn thương nếu lộ xương, lộ móng không được xử lý đúng cách sẽ rất khó liền.
Đặc biệt với trẻ nhỏ, nếu không được điều trị đúng cách sẽ hình thành dị tật ở tay trẻ, ảnh hưởng đến chức năng cầm nắm, vận động của trẻ.
An AnBạn đang xem bài viết Bé 6 tuổi bị kẹp tay vào cánh cửa, tưởng nhẹ mà nguy hiểm khó lường tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].