Trẻ nhỏ đi phân xanh, khi nào là nguy hiểm?

Phân xanh là hiện tượng hay gặp ở sơ sinh và dưới 12 tháng tuổi. Điều này có thể là bình thường nhưng đôi khi làm các bậc cha me lo lắng. Vậy trẻ nhỏ đi phân xanh khi nào là nguy hiểm?

Theo bác sĩ chuyên khoa nhi Phí Xuân Thi, BV Sản Nhi Quảng Ninh, phân đầu tiên của trẻ sơ sinh có màu xanh đen, quánh như nhựa đường. Đây được gọi là phân su. Nó bao gồm tất cả những gì em bé nuốt vào trong bụng mẹ: nước ối, mật, các tế bào da,...

Trong vài ngày tiếp theo, phân bắt đầu có màu xanh, sau đó chuyển sang màu vàng mù tạt ( nếu bú mẹ). Phân của trẻ cũng có thể thay đổi màu sắc theo chế độ ăn của mẹ hoặc có màu nâu nâu hay rám nắng, đôi khi có những vệt xanh trong phân, nếu trẻ dùng sữa công thức.

Mật tạo màu cho phân có màu nâu đặc trưng. Nhưng nếu khi phân được đưa qua đường tiêu hóa quá nhanh, mật sẽ không được tiêu hóa dẫn đến phân có màu xanh lục.Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân xanh.

  Trẻ bị ốm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ đi ngoài phân xanh. Ảnh minh họa

Trẻ bị ốm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến trẻ đi ngoài phân xanh. Ảnh minh họa

1. Mất cân bằng sữa đầu - sữa sau

Sữa mẹ thay đổi trong suốt thời gian cho trẻ bú. Đầu tiên bầu vú sẽ tạo ra sữa đầu ít chất béo, nhiều đường, sẽ chuyển thành sữa sau giàu chất béo và calo cao khi trong quá trình cho con bú diễn ra.

Nếu trẻ có xu hướng bú cữ ngắn, hoặc trẻ bú quá nhanh, trẻ có thể bú sữa đầu nhiều hơn sữa sau. Điều này có thể dẫn đến trẻ có hiện tượng đầy hơi, phân xanh, sủi bọt.

2. Trẻ ốm

Nếu phân màu xanh lá cây, trông giống như tiêu chảy hoặc có chứa chất nhầy, có thể có vấn đề gì đó khiến trẻ khó chịu. Đôi khi trẻ có phản ứng bất thường, hoặc đó có thể là trẻ có vấn đề trong dạ dày- ruột.

Nếu đang cho con bú, mẹ bỉm sữa hãy tiếp tục duy trì cho trẻ bú thường xuyên. Bởi sữa mẹ cung cấp kháng thể thúc đẩy quá trình hồi phục ở trẻ em.

3. Không dung nạp với thực phẩm

Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ đi ngoài phân xanh là do trẻ không dung nạp với thức ăn, hoặc với thứ gì đó trong thức ăn của người mẹ hoặc trong sữa công thức của trẻ.

Sữa bò là thành phần mà trẻ hay phản ứng nhất, mặc dù có nhiều loại thức ăn đồ uống khác nhau có thể làm trẻ không dung nạp.

Khi trẻ không dung nạp, chúng thường có thêm các triệu chứng khác như nổi mẩn đỏ, chàm, hoặc quấy khóc, khó chịu sau khi bú.

  Khi trẻ bị đi ngoài phân xanh, kèm theo tiêu chảy hoặc sốt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám. Ảnh minh họa

Khi trẻ bị đi ngoài phân xanh, kèm theo tiêu chảy hoặc sốt, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám. Ảnh minh họa

4. Thực phẩm xanh

Trẻ đang bú mẹ có thể bị phân màu xanh nếu mẹ ăn rau xanh hoặc thực phẩm có màu xanh.

Khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc, các thức ăn xanh dành cho trẻ như đậu hà lan, hay các loại rau xay cũng có thể làm phân trẻ nhuốm màu xanh.

5. Bổ sung sắt

Phân trẻ có thể có màu xanh đậm sau vài ngày đầu tiên bổ sung thêm chất sắt.

6. Lượng sữa không đủ

Nếu trẻ bú mẹ không đủ lượng sữa. Phân của trẻ có thể chuyển sang màu xanh. Trẻ sẽ không đi ngoài thường xuyên (trẻ sơ sinh nên đi ngoài ít nhất 3-4 lần mỗi ngày), không tăng cân, có thể quấy khóc, khó ngủ. Khi thấy bé ăn, bú không đúng cách, mẹ cần liên hệ với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn.

7. Các nguyên nhân đi cầu phân xanh khác

Trẻ sơ sinh điều trị vàng da bằng cách chiếu đèn có thể gây đi ngoài phân xanh. Một số trẻ mọc răng cũng có thể khiến trẻ đi ngoài phân có màu xanh lục, vì quá trình mọc răng trẻ nuốt nhiều nước bọt… Cũng có một số cha mẹ báo cáo rằng con mình đi ngoài phân xanh sau tiêm phòng.

Thông thường, trẻ đi cầu phân màu xanh thì không có gì đáng lo ngại hay phải điều trị đặc hiệu gì.

Cha mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu như sốt, lờ đờ, nôn mửa, trẻ đi ngoài phân xanh kèm với tiêu chảy.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính