Trẻ dễ bị ốm vào mùa đông: Nguyên nhân do đâu và cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ?

Nhiều mẹ than phiền đến mùa đông lạnh con hay bị ốm hơn, lai rai mãi không khỏi. Vậy vì sao trẻ dễ bị ốm vào mùa đông và cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cho con?

Vì sao trẻ dễ bị ốm vào mùa đông lạnh?

Phòng khám Nhi, BV Bãi Cháy những ngày qua có rất đông trẻ nhỏ đến khám mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa và hô hấp như sốt, ho, viêm mũi họng cấp, viêm phế quản cấp, hen phế quản, viêm tiểu phế quản…

Theo bác sĩ Đỗ Kiêm Thắng, Khoa Nhi, BV Bãi Cháy, thời tiết chuyển lạnh đột ngột, nền nhiệt hạ thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây các bệnh lý về đường tiêu hóa và hô hấp phát triển, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

Trẻ dễ bị ốm vào mùa đông là do dễ bị lây nhiễm các loại vi khuẩn, virus. Ảnh minh họa

Trẻ dễ bị ốm vào mùa đông là do dễ bị lây nhiễm các loại vi khuẩn, virus. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhi khoa cũng lý giải, việc trẻ dễ bị ốm vào mùa đông lạnh là do khi trời lạnh, trẻ em có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn, dễ lây nhiễm các vi khuẩn, virus.

Khi chơi cùng nhau trong nhà có nghĩa là trẻ ở gần nhau hơn, cùng nhau hít thở một bầu không khí trong một không gian có thể dễ lây và mắc các bệnh lý nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, vào mùa lạnh, chất nhầy ở mũi có thể khô hơn, dính hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của virus.

Ngoài ra, các thói quen ăn, ngủ thường xuyên bị thay đổi, gián đoạn trong khi du lịch vào mùa đông, có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương hơn và kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng, từ đó dẫn đến trẻ dễ bị ốm vào mùa đông.

Các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa đông và cách phòng tránh

1. Bệnh cúm

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh giá.

Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như mũi tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi, chảy nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu, nhưng sau đó thường trở nên đặc hơn và biến màu vàng hoặc màu xanh.

Để phòng tránh bệnh cúm cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Giữ ấm bàn chân, tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ, uống nước ấm, không ăn đồ lạnh.
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh.
  • Tiêm phòng cúm cho bé trên 6 tháng tuổi mỗi năm một lần.
  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những ai có biểu hiện cảm cúm.
  • Bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu protein, vitamin C từ rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng.
Giữ ấm bàn chân, tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ... để giúp con phòng bệnh trong mùa đông lạnh. Ảnh minh họa

Giữ ấm bàn chân, tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ... để giúp con phòng bệnh trong mùa đông lạnh. Ảnh minh họa

2. Viêm tiểu phế quản

Triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị viêm tiểu phế quản là trẻ bị ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít.

Trường hợp nặng thì trẻ có biểu hiện tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở.

Để phòng viêm tiểu phế quản cho trẻ, cha mẹ cần:

  • Chú ý vệ sinh khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Trẻ sơ sinh cho bú sữa đến 12 tháng tuổi, không để bị lạnh, vệ sinh môi trường sống, không cho trẻ tiếp xúc với các loại khói, mầm bệnh.
  • Khi trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái hoặc có các yếu tố như dưới 3 tháng tuổi, sinh non, có bệnh tim phổi bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch thì cần nhập viện.
  • Đưa trẻ nhập viện điều trị khi phát hiện những dấu hiệu khó thở, tím tái.

3. Bệnh tiêu chảy

Bệnh thường gặp ở trẻ trong tuổi từ 3 tới 24 tháng tuổi, hay mắc phải vào mùa đông do virus Rota gây nên. Mẹ thường nhầm sang các bệnh khác như sốt cảm lạnh, mọc răng dẫn tới hậu quả trẻ bị mất nước trầm trọng.

Để phòng tránh bệnh tiêu chảy ở trẻ vào mùa đông, cha mẹ lưu ý:

  • Đưa trẻ đi uống vắc-xin ngừa virus Rota ngay từ 6 tuần tuổi.
  • Đảm bảo trẻ ăn chín,uống sôi
  • Tăng cường hệ miễn dịch qua dinh dưỡng.
  • Giữ vệ sinh cho trẻ: Rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Sử dụng nguồn nước sạch.
  • Rửa kỹ tay trước khi chăm sóc trẻ, chế biến đồ ăn cho trẻ và cho trẻ ăn, không cho trẻ ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi.
  • Không cho bé tiếp xúc với người đang bị bệnh tiêu chảy.
  • Tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi.

3. Bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi là bệnh trẻ thường gặp vào mùa đông hoặc thu và nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp.

Cách phòng tránh viêm mũi dị ứng cho trẻ như sau:

  • Giữ ấm vùng mũi, cổ, đầu.
  • Hạn chế để trẻ ngoáy mũi, xoa mũi khi lạnh.
  • Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín giúp nhanh hồi phục.
  • Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C, cần hạ sốt bằng phương pháp lau mát và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ.
  • Khi trẻ bị viêm mũi, hàng ngày mẹ dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, ngày 3 – 4 lần nhỏ cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.

4. Bệnh viêm đường hô hấp trên

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường có biểu hiện ban đầu là sốt dưới 38,5 độ C, viêm thanh quản, xoang, viêm amidan, viêm tai giữa. Nguyên nhân lây nhiễm bệnh thường là môi trường không sạch, nhiều khói bụi, ẩm thấp, thời tiết lạnh.

Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp trên vào mùa đông cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
  • Giữ ấm khi đi đường và khi ngủ.
  • Không để trẻ ở lâu ngoài trời lạnh.
  • Giữ vệ sinh, bảo quản sữa mẹ không nhiễm khuẩn.
  • Đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu trong bữa ăn của trẻ để trẻ có đủ năng lượng chống chọi với giá lạnh, tránh đồ ăn lạnh, ăn đồ ăn ấm nóng…
  • Tránh yếu tố bụi, môi trường ẩm thấp, khói bụi, khói thuốc lá, thuốc lào có hại cho đường hô hấp.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính