Thời tiết đang giao mùa, các cơ sở y tế liên tục tiếp nhận trẻ bị các bệnh về đường hô hấp và bệnh truyền nhiễm. Trong đó nổi lên là sốt virus, sốt xuất huyết và cúm B.
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, , đặc điểm chung của 3 bệnh lý này là đều do virus gây ra. Vì vậy, trong 3 ngày đầu rất khó phân biệt do bệnh cảnh lâm sàng và các triệu chứng tương đối giống nhau.
Cả 3 bệnh này khi mới khởi phát đều có triệu chứng khá giống nhau, do đó, các bố mẹ nhiều khi bị nhầm lẫn nên có trường hợp trẻ bị nặng mới đưa đến bệnh viện.
Dưới đây là cách phân biệt 3 bệnh này, bố mẹ cần nắm kỹ để sớm nhận biết các triệu chứng và điều trị đúng bệnh cho con.
1. Sốt virus:
Trẻ em là đối tượng thường dễ bị nhiễm sốt virus nhất. Đặc biệt là vào những thời điểm giao mùa trong năm tỷ lệ trẻ nhập viện vì sốt virus luôn tăng cao đột biến. Nguyên do là vì sức đề kháng của trẻ vẫn còn yếu.
Khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại cơ thể của bé sẽ không thích nghi kịp dẫn tới bị sốt. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với những người bệnh cũng khiến cho trẻ dễ bị lây nhiễm và dẫn tới sốt virus.
Sốt virus ở trẻ em thường biểu hiện bằng những cơn sốt cao đột ngột từ 39 đến 40 độ C, cơ thể mệt mỏi, chân tay rã rời, uể oải và đặc biệt có thể đáp ứng kém với một số thuốc hạ sốt.
Khi trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật do sốt. Trẻ có thể sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dầu hiệu khác tùy từng loại virus và từng trẻ như ho, chảy mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…
2. Sốt xuất huyết:
Hiện nay, sốt xuất huyết Dengue đang tăng cao tại nhiều tỉnh/thành ở nước ta. Vậy khi nào trẻ bị sốt sẽ nghĩ ngay đến SXH?
Sốt thường cao, khó hạ: Khởi phát của sốt xuất huyết là những cơn sốt đột ngột kéo dài suốt 3 - 4 ngày, người bệnh có thể sốt từ 39 đến hơn 40 độ C. Sốt trong sốt xuất huyết khó giảm với thuốc hạ sốt paracetamol trong 3 ngày đầu.
Sốt đi kèm với những biểu hiện đặc trưng: như đau nhức, đặc biệt là ở cơ và các khớp, đau hốc mắt, buồn nôn...
Sau sốt là dấu hiệu xuất huyết: Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, người bệnh bắt đầu giảm/hết sốt nhưng có thể xuất hiện nổi mẩn đỏ xuất huyết ở các mức độ khác nhau. Xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái ra máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).
3. Cúm B
Trẻ nhập viện do cúm mùa thường sốt cao, sốt nóng hoặc rét run, nhiệt độ cơ thể khoảng 39-41 độ C trong những ngày đầu phát bệnh.
Sốt có thể kéo dài đến 5 ngày, đau mỏi toàn thân, viêm đường hô hấp cấp với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, viêm phổi...
Đa phần, ca mắc cúm thường khỏi sau một tuần điều trị thông thường. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp (thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính, người già, trẻ em và phụ nữ có thai) có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Trên đây là những dấu hiệu để bố mẹ nhận biết trẻ đang mắc bệnh gì. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ sốt và có những biểu hiện bất thường thì bố mẹ nên nhanh chóng đưa bé tới cơ sở y tế để được thăm khám và kết luận chính xác, từ đó điều trị đúng bệnh, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
V.LinhBạn đang xem bài viết Trẻ sốt 38 - 39 độ, làm sao biết con đang mắc sốt virus, sốt xuất huyết hay cúm B? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].