Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
Mẹ hãy cho con bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, ngay cả khi sữa chưa về để bé được bú sữa non. Sữa non được hình thành từ tuần thứ 14-16 của thai kỳ và được tết ra trong 1-3 ngày sau sinh.
Sữa non có màu vàng nhạt hoặc trong, sánh đặc, giàu chất kháng khuẩn, nhiều vitamin A, chất đạm giúp bé phòng chống nhiễm khuẩn. Trong 3 ngày đầu thường lượng sữa chưa nhiều (còn gọi là sữa chưa về) nhưng đủ cho bé mới sinh vì:
- Ngày thứ nhất sau sinh: dạ dày của bé chỉ có thể chứa tối đa 5 - 7ml sữa và sẽ têu hoá trong vòng 1 giờ. Như vậy cho bé bú 10-12 lần/ngày là phù hợp với kích cỡ dạ dày của bé và lượng sữa của mẹ trong những ngày đầu.
- Ngày thứ 3: Dung tích dạ dày bằng quả bóng bàn, chứa được 22 - 27ml
- Ngày thứ 5-7: Bằng quả trứng gà, chứa được 43 - 57 ml
Mẹ nên nhớ rằng, cho bé bú sớm tốt cho cả mẹ và con vì bé mút vú làm cho sữa về nhanh hơn, giúp dạ con co tốt hơn, giảm nguy cơ chảy máu sau sinh cho sản phụ, giúp bé được ấm áp hơn.
Trong thời gian 6 tháng đầu đời, mẹ cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không cần cho ăn hoặc uống thêm bất cứ thứ gì khác, kể cả nước tráng miệng, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Mẹ cho bé bú theo nhu cầu, bất cứ khi nào bé muốn, cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ như:
- Giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu.
- Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Giúp trẻ phát triển trí não tối ưu.
- Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.
- Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho trẻ
- Dễ tiêu hóa và hấp thu
- Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
Hậu quả ngậm bắt vú sai cách
Trẻ ngậm bắt vú đúng cách là điều quan trọng nhất quyết định việc nuôi con bằng sữa mẹ thành công. Bởi khi trẻ ngậm bắt vú sai có thể dẫn đến những hậu quả sau:
- Trẻ chỉ ngậm núm vú sẽ làm tổn thương núm vú của mẹ; Việc bú sai cách là nguyên nhân chính gây đau đầu vú.
- Trẻ cố gắng mút sữa, trẻ phải kéo đi kéo lại núm vú khiến da núm vú cọ sát vào miệng trẻ. Nếu trẻ tiếp tục bú theo cách này có thể làm tổn thương da núm vú và làm nứt núm vú.
- Trẻ bú không đủ hết sữa có thể gây cương tức vú.
- Vú ứ đọng sữa do bú không hết có thể làm giảm và ức chế sự tạo sữa.
- Trẻ bú không đủ sữa nên không cảm thấy thoải mái, quấy khóc, thường xuyên đòi sữa và bú lâu.
Cách cho trẻ bú đúng
- Mẹ có thể nằm, ngồi hoặc đứng cho bé bú.
- Tư thế cho bé bú đúng: giữ cho thân và đầu bé thẳng hàng, miệng bé đối diện vú mẹ, thân bé áp sát vào người mẹ.
- Cho bé bú hết sữa bầu vú bên này rồi mới chuyển sang bên kia.
- Nếu bé bị ốm càng cần cho bú nhiều hơn.
- Nếu bé không bú được thì vắt sữa mẹ và cho uống bằng cốc hoặc thìa. Không cho bé bú bình vì bé dễ bị tiêu chảy.
- Miệng bé mở rộng, ngậm sâu vào quầng vú.
- Nhìn thấy quầng vú phía trên còn nhiều hơn ở phía dưới.
- Môi dưới của bé hướng ra ngoài (vành môi dưới của bé trề ra).
- Cằm bé tì sát vào vú mẹ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.
----
*Tài liệu tham khảo: Cẩm nang Hành trình Mang thai và nuôi con khỏe mạnh (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế)
An AnBạn đang xem bài viết Trẻ bú mẹ sai cách gây ra những hậu quả gì? tại chuyên mục Sau sinh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].