Như Gia Đình Mới đã đưa tin, BV Nhi Trung ương mới đây đã cấp cứu kịp thời bé trai 3 tuổi (ở Hà Nam) bị bạo hành, nhốt trong tủ đông khiến bé bị suy hô hấp, hạ thân nhiệt và chấn thương vùng đầu, cổ.
Khoa Chống độc BV Nhi TƯ cho biết đây là lần đầu tiên khoa tiếp nhận, điều trị trẻ bị nhốt trong tủ đông gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nói về nguy hiểm khi trẻ bị nhốt trong tủ đông, bác sĩ cho biết, trẻ bị nhốt trong tủ đông một thời gian dài sẽ rất nguy hiểm vì bị 2 tình trạng: Hạ thân nhiệt và thiếu ôxy. Nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Thứ nhất là bị hạ thân nhiệt
Nhiệt độ cơ thể thường duy trì tốt nhất ở 37 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ của tủ cấp đông trong khoảng từ 0 tới -18 độ C. Nếu bị nhốt trong tủ đông cơ thể sẽ bị hạ thân nhiệt, nhiệt sinh ra không bù đủ nhiệt mất đi. Nếu kéo dài sẽ dẫn tới suy chức năng của hàng loạt cơ quan, nhất là hệ tuần hoàn và hô hấp.
Khi thân nhiệt giảm quá thấp, nếu không kịp thời xử lý tăng thân nhiệt, người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng do tim và hệ thống thần kinh không thể hoạt động tốt.
Thứ hai là bị thiếu oxy
Trong không gian hẹp của tủ đông, trẻ bị nhốt và đóng kín cửa tủ sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy. Tủ đông đóng kín khiến nạn nhân bị thiếu dưỡng khí, thiếu oxy, CO2 tăng lên có thể rơi vào tình trạng hôn mê. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn tới nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Về sơ cứu khi phát hiện trẻ bị nhốt trong tủ đông:
Việc đầu tiên là cần đánh giá tình trạng của trẻ, làm ấm cơ thể cho trẻ và nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế.
Khi trẻ có dấu hiệu rối loạn các chức năng, đặc biệt về hô hấp cần can thiệp sớm cho trẻ thở oxy. Quan trọng là chúng ta phải nâng nhiệt độ cho trẻ, dùng các biện pháp ủ ấm để đảm bảo nhiệt độ trẻ được đưa về bình thường.
V.LinhBạn đang xem bài viết Trẻ bị nhốt vào tủ đông nguy hiểm như thế nào? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].