Gỏi bưởi tôm mực là món khai vị nhưng lại chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng bởi các nguyên liệu mang lại, đặc biệt là bưởi – thành phần chính của món ăn.
Trong 100g bưởi có 42 calo; 0,1g lipid; 11g carbohydrate; 135g kali; 0,8g protein; 1.150 IU Vitamin A; 31,2 mg Vitamin C; 22 mg Canxi; 0,1 mg Sắt; 0,1 mg Vitamin B6; 9 mg Magie.
Công dụng của bưởi với sức khỏe
Đông y cho rằng, bưởi có tác dụng lý khí, hóa đờm, mát phổi, bổ huyết, kiện tì, là một loại trái cây tốt cho sức khỏe. Nếu ăn vào mùa thu sẽ có tác dụng bổ phổi. Ngoài ra nó còn có công dụng giảm triệu chứng ho cho những người bị cảm cúm.
Còn các nghiên cứu khoa học thì chứng minh được rất nhiều công dụng khác của bưởi như:
1. Phòng ngừa táo bón
Bưởi có rất nhiều chất xơ nên có tác dụng phòng ngừa táo bón. Theo các nhà khoa học, nếu bị táo bón và muốn khỏi nhanh thì ngoài ăn bưởi, nên ăn cả cùi bưởi. Cùi bưởi nhiều chất xơ sẽ giúp bạn kích thích đường ruột co bóp, nhuận tràng.
2. Hỗ trợ hệ miễn dịch
Ăn bưởi thường xuyên sẽ có lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể. Nguyên nhân là bưởi có chứa nhiều vitamin C – một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào khỏi vi khuẩn và virus.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vitamin C giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn sau khi bị cảm lạnh.Bên cạnh đó, các loại vitamin B, đồng, kẽm, sắt có trong bưởi cũng giúp chức năng miễn dịch của cơ thể làm việc tốt. Chúng cũng giúp bảo vệ da – một màng ngăn viêm nhiễm hữu hiệu của cơ thể.
Các vitamin và khoáng chất trong bưởi có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi viêm sung cũng như một số bệnh nhiễm trùng khác.
3. Hỗ trợ giảm cân
Bưởi chứa nhiều chất xơ nên giúp tạo cảm giác no bụng lâu hơn, từ đó giúp bạn ăn ít hơn, rất tốt cho việc giảm cân. Chưa kể tới, bưởi chứa ít calo nên là thực phẩm giảm cân vô cùng phù hợp.
4. Ngăn kháng insulin và tiểu đường
Ăn bưởi thường xuyên sẽ giúp cơ thể có khả năng ngăn tình trạng kháng insulin – một nguyên nhân gây ra tiểu đường.
Kháng insulin là tình trạng tế bào không phản ứng với insulin – 1 hormone có tác dụng điều tiết nhiều quá trình sinh hóa trong cơ thể. Tình trạng này dẫn tới việc nồng độ insulin và đường huyết trong cơ thể bị cao hơn, dẫn tới bệnh tiểu đường type 2.
5. Bảo vệ tim
Thường xuyên ăn bưởi có thể nâng cao sức khỏe tim mạch bằng cách giảm các nguy cơ như huyết áp cao hoặc nồng độ cholesterol trong cơ thể cao.
Trong một nghiên cứu được tiến hành, các nhà khoa học phát hiện ra rằng ăn bưởi 3 lần mỗi ngày trong 6 tuần giúp giảm huyết áp đáng kể. Ngoài ra, lượng cholesterol xấu ở những người này cũng giảm trong khi cholesterol tốt lại tăng.
Nguyên nhân có thể là do bưởi có chứa nhiều kali (một nửa quả bưởi cung cấp khoảng 5% lượng kali khuyến nghị một ngày). Dùng kali vừa đủ có thể giảm được huyết áp cao, từ đó giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Bên cạnh đó, lượng chất xơ trong bưởi cũng được cho là có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch khi giảm huyết áp và nồng độ cholesterol.
6. Có khả năng ngăn ngừa ung thư
Bưởi chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra, giảm nguy cơ bị ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm với sức khỏe.
+ Vitamin C là một chất chống oxy hóa có khả năng tan vào nước, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tàn phá, dẫn tới bệnh tim và ung thư.
+ Beta-carotene chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, giúp giảm các nguy cơ bị bệnh mãn tính như tim, ung thư, bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng.
+ Lycopene có khả năng ngăn chặn sự phát triển của một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt. Nó cũng ngăn sự phát triển của các khối u và giảm tác dụng phụ của một số phương pháp chữa ung thư thường gặp.
+ Flavanones có tính kháng viêm, giúp giảm huyết áp và nồng độ cholesterol, giảm nguy cơ bệnh tim.
7. Giảm nguy cơ bị bệnh sỏi thận
Axit citric có trong bưởi có tác dụng ngăn chặn sự hình thành của sỏi thận. Ngoài ra, axit này còn có tác dụng lợi tiểu và nâng cao độ pH trong nước tiểu, tạo môi trường không thuận lợi cho việc hình thành sỏi thận.
Nhiều lợi ích sức khỏe, lại có vị chua chua ngọt ngọt, bưởi thực sự là thực phẩm tuyệt vời nên có trong thực đơn.
Cách làm món gỏi bưởi tôm mực
Để làm món gỏi bưởi tôm mực cần chuẩn bị một số nguyên liệu sau:
- 1 trái bưởi
- 1 củ hành tím thái mỏng
- 1/3 củ cà rốt
- 12 con tôm hấp chín
- 1/2 chén mực khô xé sợi
- Hành, húng quế, rau mùi thái rối
Cách làm
Bước 1: Pha nước trộn gỏi
Lấy 1 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước cốt chanh + 1,5 muỗng canh nước hòa trong 1 cái chén, sau đó cho 1 muỗng canh tỏi ớt bắm vào. Khuấy đều hỗn hợp, để riêng.
Bước 2: Chế biến mực
Bắc chảo , thêm dầu vào chảo. Chờ dầu hơi nóng thì cho mực khô vào chiên qua với lửa vừa. Khi mực chuyển màu vàng là vớt ngay ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
Bước 3: Làm gỏi
Bưởi gọt bỏ, lấy múi. Sau đó bóc múi bưởi để lấy phần thịt bên trong. Tách nhỏ phần thịt thành miếng vừa ăn, cho vào âu.Trộn thêm mực + tôm + các loại rau thơm và hành.
Sau đó đổ bát nước gỏi vào trộn đều. Cho gỏi ra đĩa, ăn cùng phồng tôm hoặc ăn không đều rất tuyệt.
Chúc các bạn thành công với món ăn này!
Hiền ThảoBạn đang xem bài viết Tối nay ăn gì: Cách làm gỏi bưởi tôm mực ăn mãi không chán tại chuyên mục Hôm nay ăn gì? của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].