Cá trắm là loại thức ăn quen thuộc và được yêu thích trong các bữa cơm gia đình của người Việt Nam. Thịt cá trắm chắc, thơm ngon và được chế biến thành rất nhiều các món ngon như: cá trắm đen hấp, sốt, rán, làm lẩu, cá trắm nấu canh chua hay sốt cà chua, cá trắm kho riềng, cá trắm kho tiêu...
Cá trắm là một loại thức ăn bổ dưỡng, ngon, quý, rất có giá trị dinh dưỡng. Theo Đông y, cá trắm đen bổ tỳ vị, khí huyết, thích hợp với các chứng tỳ vị hư hàn, biếng ăn, gầy yếu mệt mỏi, đuối sức. Cá trắm đen được coi là thượng phẩm của các loài cá nước ngọt và cũng là phương thuốc quý của gia đình.
Về giá trị dinh dưỡng trong 100g ăn được có: 91kcal, 17g protein, 2,6g lipid, 57mg canxi, 145mg phospho, 0,1mg sắt.
Cá là thức ăn dễ tiêu hóa, mỡ cá có chứa một loại axít béo không no, có tác dụng chống lão hóa với người lớn tuổi và phát triển trí não với trẻ em. Ngoài ra, chất béo trong cá trắm còn tốt cho tuần hoàn máu và tim mạch.
Cá là thức ăn bổ dưỡng, vì vậy nhiều phụ nữ khi mang thai thường ăn cháo cá để cung cấp các chất dinh dưỡng thiếu yếu cho thai nhi phát triển. Ngoài ra, các món ăn từ cá trắm có thể giúp chữa cảm lạnh, nhức đầu, đau đầu, ngạt mũi, đau mình mẩy, suy nhược cơ thể, mất sức, chóng mặt, cảm nắng nóng, viêm phế quản do nóng nắng, khô họng, ho nhiều đờm vàng đặc, tiểu vàng đỏ. Đặc biệt với những người làm công việc văn phòng, ăn cá trắm thường xuyên còn được cho là có thể chữa được chứng nhức mỏi mắt do ngồi máy tính, điện thoại quá nhiều.
Theo người dân truyền miệng, người ta lấy cả cái mật cá sống nuốt để chữa bệnh. Người ta có thể nuốt sống cả túi mật với nước, rượu, hoặc trộn với rượu, mật ong. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, trung tâm Giáo dục truyền thông Dinh Dưỡng, Viện dinh dưỡng, mật của cá trắm từ 3kg trở nên chắc chắn gây ngộ độc, và có thể gây tử vong sau 2 ngày. Độc tố chính là do alcol steroid có 27C gọi là 5a. cyprinol. Tổn thương chủ yếu là viêm gan thận và nguyên nhân gây tử vong thường do phù phổi cấp, do viêm nhiễm độc hoặc suy thận cấp, phù não do vô niệu, ứ nước.
Cách chọn cá tươi, ngon:
Để chọn được con cá trắm tươi, ngon nói riêng, cá tươi nói chung, chị em cần chú ý tới một số vấn đề sau:
+ Màu sắc con cá nếu tươi có màu sáng bóng, vảy bám chặt trên da.
+ Mắt cá phải trong, nhìn rõ cả phần con ngươi bên trong. Cá không tươi thì mắt thường đục, mờ, không thấy rõ bên trong.
+ Mang cá: Nếu tươi, mang cá đỏ tưới, nếu ươn thì mang có màu đỏ sẫm, thậm chí nâu đen
+ Dùng tay ấn vào thịt, đặc biệt là phần gần bụng. Cá tươi thì thịt chắc, có độ đàn hồi tốt. Cá ươn thì thịt mềm, thậm chí là nhũn và da cá không đàn hồi lại được
+ Bóp nhẹ chỗ hậu môn cá. Nếu tươi, hậu môn săn chắc, không vỡ, không có dịch ruột trào ra. Cá ươn thì có nhiều dịch chảy ra, hoặc bụng có thể vỡ.
Sau khi biết cách chọn cá tươi, ngon rồi, chúng ta bắt tay vào chuẩn bị món cá trắm kho tiêu nào!
Cách làm cá trắm kho tiêu
Nguyên liệu:
Cá trắm: 1 con khoảng 400gr
Ớt: 3 quả
Hành, rau răm, thì là
Tiêu sọ nguyên hạt: 10gr
Gia vị: Nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm, bột ngọt, nước hàng kho cá.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế rau củ
Ớt rửa sạch. Có thể thái nhỏ, bỏ hạt hoặc để nguyên quả. Hành, rau răm, thì là nhặt sạch, rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 2: Sơ chế cá
Cá mua về, đánh vẩy, mổ lấy sạch nội tạng. Sau đó rửa sạch lại và cắt khúc vừa ăn. Ướp cá với nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu, ớt, dầu ăn trong 30 phút.
Bước 3: Chế biến
Xếp cá vào nôi, rưới nước hàng, cho thêm ớt lên trên. Cho nồi lên bếp đun sôi. Khi nước cạn, vặn nhỏ lửa, đổ thêm nước vào ninh tiếp. Tới khi nước gần cạn, thêm gia vị, cho hành hoa, rau thơm, thì là vào, để thêm 5 phút cho nước sền sệt thì tắt bếp.
Bước 4: Trình bày
Để cá nguội bớt thì cho ra đĩa, ăn với cơm nóng.
Yêu cầu thành phẩm: Cá không bị tanh, nồng mùi tiêu. Cá có màu vàng ươm, đậm vị, chắc thịt.
Chúc bạn thành công với món cá trắm kho tiêu này nhé!
Hiền ThảoBạn đang xem bài viết Tối nay ăn gì: Cá trắm kho tiêu chuẩn vị ngày mát trời tại chuyên mục Hôm nay ăn gì? của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].