Sở Y tế TPHCM vừa thông tin, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo cáo, lần đầu tiên sau nhiều tháng, Việt Nam nằm trong danh sách các nước có số ca mắc mới cao nhất trong tuần, chỉ sau Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
WHO ghi chú số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam tăng cao, đứng thứ 4 trên Thế giới một phần do báo cáo bổ sung thời gian trước đó. Tuy nhiên thực tế, ca F0 mắc mới hiện có dấu hiệu gia tăng, tương ứng với số ca nặng và thở máy tăng theo.
Trước thông tin này, nhiều người dấy lên lo ngại: Liệu Việt Nam có thể xảy ra làn sóng dịch COVID-19 mới không?
PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM nhận định, việc gia tăng số ca mắc COVID-19 mới không chỉ có ở Việt Nam mà một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đã xảy ra, khi biến thể BA.4 và BA.5 xuất hiện.
Theo chuyên gia, nghiên cứu cho thấy 2 biến chủng phụ trên có thể "trốn thoát" miễn dịch của những lần nhiễm trùng cũ, nên bệnh nhân đã từng mắc COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm.
Điều quan trọng là liệu ca mắc COVID-19 sẽ tăng nhiều hay ít? PGS Dũng cho biết, một số mô hình toán học đã được thế giới thực hiện, cho thấy rằng nếu vấn đề tiêm chủng được thực hiện tốt thì dự đoán số người mắc mới trong thời gian tới sẽ dưới 5% tổng dân số. Ngược lại, nếu không tiêm hoặc tỷ lệ tiêm thấp thì số ca mắc có thể tăng đến 15%.
Chuyên gia nhận định, Việt Nam có thể sẽ đợt bùng dịch mới, nhưng sẽ chỉ là làn sóng dịch nhỏ, vì việc tiêm vắc-xin được thực hiện ở mức khá. Ông cho rằng, những người trên 50 tuổi, nằm trong nhóm nguy cơ cao (như có bệnh nền, nhân viên y tế) nên chủ động tiêm mũi 4 để phòng chống biến chứng nặng khi nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, PGS Dũng cũng lưu ý người dân không nên quá chủ quan, vẫn nên thực hiện các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn...
V.LinhBạn đang xem bài viết Xếp thứ 4 các nước đang có số ca mắc COVID-19 cao, liệu Việt Nam có thể có làn sóng dịch mới? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].